A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góc nhìn của các nhà báo về Bộ Công Thương giai đoạn 2020-2025

Trong mắt các nhà báo kinh tế, giai đoạn 2020-2025, Bộ Công Thương đã ổn định thị trường, duy trì sản xuất, hỗ trợ xuất khẩu giữa sóng gió toàn cầu.

 Nhà báo Phạm Việt Hải Ban Kinh tế, Báo Nhân Dân: Bộ Công Thương nỗ lực đoàn kết, quyết liệt hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị

Giai đoạn 2020 - 2025, có thể thấy nhiều kết quả nổi bật như công nghiệp phát triển tốt, chiếm hơn 30% trong cơ cấu GDP. Xuất khẩu cũng đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%, đưa Việt Nam bước vào nhóm 20 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế, đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực, chủ động tham mưu với Chính phủ về đàm phán, ký kết hàng loạt FTA mới cũng như đàm phán nâng cấp các FTA đã ký kết, góp phần xây dựng, củng cố các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Tôi tin rằng, giai đoạn tiếp theo, ngành Công Thương sẽ không ngừng nỗ lực, đoàn kết, chủ động tích cực, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Góc nhìn của các nhà báo về Bộ Công Thương giai đoạn 2020-2025 - 1

Nhà báo Phan Trang - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ: Xúc tiến thương mại nối vòng tay lớn

Với công tác xúc tiến thương mại, hiện hệ thống các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao hoạt động ngày càng hiệu quả trong việc hỗ trợ, cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài để sản phẩm Việt tiếp cận sâu hơn vào thị trường toàn cầu. Giai đoạn 2020 - 2025, thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các đối tác quốc tế tổ chức các hội nghị cấp cao, triển lãm, hội chợ quốc tế; các diễn đàn xúc tiến xuất khẩu; công tác giao ban giữa Bộ với các thương vụ ở nước ngoài với sự tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội… được xây dựng và duy trì đều đặn hàng tháng để cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu. Điểm nổi bật là gần 1.000 đề án xúc tiến thương mại đã được các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan xúc tiến thương mại Trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường lớn, các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam; các thị trường mới, thị trường tiềm năng… hơn 30 bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong lĩnh vực xúc tiến thương mại với các đối tác, cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài (Nga, Úc, Pháp, Trung Quốc, Slovenia, Malaysia,…) đã được ký kết.

Góc nhìn của các nhà báo về Bộ Công Thương giai đoạn 2020-2025 - 2

Nhà báo Uyên Hương - Ban Biên tập Tin Kinh tế - Thông tấn xã Việt Nam: Một nhiệm kỳ bứt phá với những con số biết nói

Giai đoạn 2020 - 2025, giữa những cơn xoáy toàn cầu của đại dịch, biến động địa chính trị và thách thức từ thương mại quốc tế, Bộ Công Thương đã khẳng định vai trò Bộ kinh tế đa ngành, góp phần dẫn dắt nền kinh tế trong thời khắc cam go. Những con số biết nói như tăng trưởng xuất khẩu chạm mốc 800 tỷ USD, thương mại điện tử vọt lên 25 tỷ USD, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 85% giá trị xuất khẩu là minh chứng thuyết phục cho những nỗ lực không ngừng của Bộ Công Thương. Quan trọng hơn, Bộ đã kiến tạo được hệ thống thể chế hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và bảo vệ thị trường trong nước bằng các công cụ phòng vệ thương mại sắc bén. Không chỉ quản trị hiệu quả “sân nhà”, Bộ Công Thương còn thể hiện bản lĩnh đàm phán ngoại giao, giữ vững thế chủ động trong cuộc chơi toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp xuất nhập khẩu vượt qua cơn gió ngược để đạt những kỷ lục mới trong thời gian tới.

Góc nhìn của các nhà báo về Bộ Công Thương giai đoạn 2020-2025 - 3

Nhà báo Nguyên Long - Phó trưởng Phòng kinh tế, Ban Thời sự VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam: Mở rộng đường lớn hội nhập là dấu ấn nổi bật

Nhiệm kỳ 2020 - 2025 ghi dấu ấn mạnh mẽ của Đảng bộ Bộ Công Thương trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trên nền tảng thành quả đã đạt được, Đảng bộ đãchủ động đề xuất và triển khai nhiều giải pháp chiến lược nhằm đưa hàng hóa Việt Nam vươn xa toàn cầu. Giai đoạn này, Việt Nam đã ký 4 FTA mới gồm: RCEP,VIFTA, UKVFTA và Hiệp định CEPA. Đặc biệt CEPA đã mở ra không gian thị trường tại Trung Đông và châu Phi. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ FTA, góp phần tăng trưởng xuất khẩu và phát triển thương hiệu quốc gia.Một trong những điểm sáng là việc tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững, gắn với kinh tế số, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo. Lần đầu tiên, mục tiêu cân bằng thương mại với các đối tác chủ chốt được đưa ra rõ ràng, thể hiện tầm nhìn dài hạn, phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động.

Góc nhìn của các nhà báo về Bộ Công Thương giai đoạn 2020-2025 - 4

Nhà báo Vũ Dung - Phòng Biên tập Kinh tế Xã hội - Nội chính, Báo Quân đội nhân dân: Xây dựng thể chế kịp thời, quyết liệt và sát thực tiễn

Nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Công Thương đã thể hiện rõ vai trò tiên phong trong công tác xây dựng thể chế với tinh thần kịp thời, quyết liệt và sát thực tiễn. Trước hết, tính kịp thời được thể hiện rõ trong việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước.

Góc nhìn của các nhà báo về Bộ Công Thương giai đoạn 2020-2025 - 5

Ngay sau khi có các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Công Thương đã nhanh chóng triển khai thực hiện bằng việc chủ trì xây dựng và trình ban hành hơn 250 văn bản pháp luật trong giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm các luật quan trọng như: Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) và nghị định trong các lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh xăng dầu và khí, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường …Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế của bộ sát với thực tiễn phát triển, phản ánh đúng yêu cầu chuyển đổi, hiện đại hóa nền kinh tế. Cuối cùng, sự quyết liệt trong hành động thể hiện qua việc cắt giảm, đơn giản hóa hàng loạt điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các rào cản hành chính, tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết