A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải cách hành chính: Bộ Công Thương tiên phong vì doanh nghiệp

Cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo sức bật phát triển cho doanh nghiệp, xây dựng niềm tin về môi trường đầu tư Việt Nam là dấu ấn lãnh đạo của Đảng bộ Bộ Công Thương.

Đây là đánh giá của TS. Tô Hoài Nam, Tổng thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với Báo Công Thương về những dấu ấn nhiệm kỳ của Đảng bộ Bộ Công Thương.

Công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương tác động quan trọng, to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh minh họa

Công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương tác động quan trọng, to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh minh họa

Cải cách hành chính Bộ Công Thương tác động rộng lớn đến doanh nghiệp

- Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trước rất nhiều khó khăn và thách thức, ông đánh giá như thế nào về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Bộ Công Thương đối với công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp?

TS. Tô Hoài Nam: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Bộ Công Thương đã thể hiện rất rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để kịp thời triển khai các nhiệm vụ chính trị. Trong đó, chúng tôi đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại những hiệu quả tích cực, có tác động rộng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Được biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hoá 268/662 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 40%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Đặc biệt Bộ Công Thương đã tập trung cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực còn nhiều vướng mắc như xăng dầu, hóa chất, xúc tiến thương mại.... Đồng thời siết chặt kiểm soát ban hành quy định mới nhằm ngăn chặn phát sinh các thủ tục không hợp lý, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương cũng đã cắt giảm, đơn giản và phân cấp ước khoảng 126/444 thủ tục hành chính (đạt 67,67%), trong đó bãi bỏ 60 thủ tục, đơn giản hóa 143 thủ tục và phân cấp khoảng 97 thủ tục) đã giúp Bộ Công Thương duy trì vị trí cao trong nhóm các bộ, ngành dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã triển khai rất tích cực và quyết liệt trong công tác xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính của Bộ (hơn 1.200 thủ tục) được cung cấp mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ đã tích hợp gần 400 dịch vụ công trực tuyến liên quan tới quản lý xuất nhập khẩu, năng lượng, thương mại điện tử đã góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Sự đổi mới này theo tôi đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ủy Bộ Công Thương trong việc đẩy mạnh công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ số hiện đại, hiệu quả vì người dân và doanh nghiệp.

- Từ những con số ấn tượng về cải cách hành chính của Bộ Công Thương, theo ông đã tác động hiệu quả ra sao tới hoạt động của doanh nghiệp, cũng như tạo dựng niềm tin về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế?

TS. Tô Hoài Nam: Có thể nói, công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương thời gian qua không chỉ góp phần quan trọng vào việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung mà đặc biệt có tác động quan trọng, to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Như chúng ta thấy, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vốn là khu vực chiếm 98% doanh nghiệp trong cả nước, thường hạn chế về nhân lực, tài chính cũng như các khả năng tiếp cận thông tin chính sách. Do đó, việc tinh giản các thủ tục hành chính theo hướng minh bạch hoá, số hoá toàn diện dịch vụ công của Bộ Công Thương đã giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiết kiệm đáng kể chi phí tuân thủ, nâng cao khả năng tự chủ trong việc tiếp cận các thủ tục hành chính.

Mặt khác, việc tiên phong, đột phá về cải cách hành chính, Bộ Công Thương đã góp phần gia tăng cơ hội kinh doanh, thúc đẩy quá trình hội nhập, kinh tế quốc tế của doanh nghiệp. Đặc biệt là cải cách trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, năng lượng, thương mại điện tử đã mở rộng cửa ngõ cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế.  

Về góc độ kinh tế đối ngoại, cải cách hành chính gắn với chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đã và đang giúp nâng tầm ảnh hưởng của môi trường đầu tư của Việt Nam. Qua đó tạo dựng niềm tin đối với đối tác, các nhà đầu tư quốc tế.

TS. Tô Hoài Nam, Tổng thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

TS. Tô Hoài Nam, Tổng thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư xuyên biên giới

- Thưa ông, Bộ Công Thương cũng đã triển khai các nhiệm vụ nhanh chóng, hiệu quả về phân cấp, phân quyền trong cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy hành chính. Ông đánh giá gì về công tác này của Bộ Công Thương?

TS. Tô Hoài Nam: Ngày 11/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 139/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Theo đó, 39 nhiệm vụ được phân định thẩm quyền, liên quan 21 thủ tục hành chính phải thực hiện trong 9 lĩnh vực: Hóa chất, kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp; điện lực; công nghiệp tiêu dùng; quản lý, phát triển cụm công nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kinh doanh rượu; kinh doanh khí và quản lý chợ.

Ngày 12/6/2025, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 146/2025/ NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Theo đó, điều chỉnh việc phân quyền, phân cấp 22 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có sự thay đổi về thẩm quyền.  

Tổng số nhiệm vụ phân quyền, phân cấp cho địa phương là 208/401 nhiệm vụ (chiếm tỉ lệ 52%) tổng số nhiệm vụ, quyền hạn có thể phân quyền, phân cấp, trong đó: 26 nhiệm vụ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho địa phương và 182 nhiệm vụ từ Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương phân cấp cho địa phương. Ngoài ra, có 72 nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Có thể thấy, việc thực hiện nhanh chóng các Nghị định số 139/2025/NĐ-CP và 146/2025/NĐ-CP cho thấy Bộ Công Thương rất chủ động, quyết liệt trong phân cấp, phân quyền. Các nghị định này đã điều chỉnh thẩm quyền rất rõ ràng trong nhiều lĩnh vực quan trọng, từ hóa chất, an toàn môi trường, điện lực đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kinh doanh rượu, kinh doanh khí. Việc đẩy mạnh phân quyền giúp tinh giản thủ tục, tạo cơ sở chủ động cho các địa phương, gần với thực tiễn hơn.

Ngoài ra, việc thúc đẩy phân cấp, phân quyền nhanh chóng của Bộ Công Thương còn góp phần tăng cường tốc độ xử lý các hồ sơ thương mại, rút gọn, rút ngắn thông quan, thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Qua đó Bộ Công Thương đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững.

Kỳ vọng Bộ Công Thương tiếp tục tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp

- Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường; xung đột chính trị, thương mại diễn ra phức tạp ở nhiều khu vực. Để tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ mới cần chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong tâm nào, theo ông?

TS. Tô Hoài Nam: Theo tôi, Bộ Công Thương cần tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Ngoài ra, tăng cường rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành thống nhất từ trung ương đến địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương gắn với xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu về điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành thuộc ngành Công Thương.

Bên cạnh đó, cần thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của ngành, hạn chế những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, đưa vào thực hiện các hình thức liên thông trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị. Đồng thời cần tăng cường quản lý ngành theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đẩy mạnh sử dụng công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm. 

Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm và tinh thần đổi mới, Đảng bộ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế, hội nhập sâu rộng của đất nuớc.

Xin cảm ơn ông!

TS. Tô Hoài Nam: Các đột phá về cải cách hành chính của Bộ Công Thương đã góp phần tạo nên tiền đề để Việt Nam chủ động hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là khi doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp sức từ các chính sách thiết thực và hiệu quả.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết