Sàn môi giới bất động sản hết thời ‘ăn đong’?
Sự trở lại của các sàn môi giới trong nửa đầu năm 2025 là tín hiệu tích cực cho toàn thị trường bất động sản. Tuy nhiên, chặng đường phía trước không hề bằng phẳng nếu không muốn nói là đầy rẫy thách thức.
Ngành môi giới bất động sản đang chứng kiến một làn sóng tuyển dụng mạnh mẽ kể từ đầu tháng 6 đến nay. Hoạt động trên địa bàn xã Thanh Trì (Hà Nội), sàn môi giới bất động sản của anh Cao Thành Phát liên tục đăng tin tuyển quân trong thời gian qua, với những chế độ đãi ngộ “có 1 không 2”.
Sàn môi giới “luyện quân” chờ cơ hội
Anh Phát cho hay công ty anh từng phải thu hẹp quy mô từ hơn 200 nhân sự xuống còn khoảng 15 người trong giai đoạn khó khăn 2022–2023. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm kể từ khi bắt đầu tuyển dụng trở lại, số lượng môi giới tại sàn hiện tại đã tăng gấp đôi lên khoảng 50 người.
"Mục tiêu trong ngắn hạn của chúng tôi là tiếp tục tăng cường lực lượng để sẵn sàng đón đầu làn sóng mở bán mới tại các thị trường vệ tinh như Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh…, những khu vực được đánh giá còn dư địa phát triển lớn", anh Phát nói với VnBusiness.
Cơn bĩ cực của các sàn môi giới đang dần đi qua theo đà phục hồi của thị trường bất động sản. |
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản cũng đang tăng tốc trở lại. Dat Xanh Services – đơn vị chủ lực của Tập đoàn Đất Xanh – đang trong quá trình tuyển dụng hơn 3.000 chuyên viên kinh doanh và 300 vị trí quản lý, với tham vọng tăng gấp đôi doanh thu và lãi ròng gấp ba lần trong năm 2025.
Tương tự, một tên tuổi khác trong lĩnh vực môi giới nhà đất là Khải Hoàn Land cũng đăng tải thông tin tuyển hàng trăm vị trí, song song với việc mở rộng hợp tác chiến lược với các chủ đầu tư hàng đầu.
Theo báo cáo mới đây của bộ phận nghiên cứu thuộc Dat Xanh Services, các sàn môi giới đang “luyện quân” ráo riết để chuẩn bị cho mùa bán hàng mới, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt dự án quy mô lớn được lên kế hoạch mở bán trong nửa cuối năm 2025. “Xu hướng bám sóng theo các dự án trọng điểm tiếp tục được nhiều đơn vị môi giới ưu tiên”, báo cáo nêu rõ.
Trong khi đó, dữ liệu từ VARS cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về lượng giao dịch – tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này đã tạo điều kiện cho gần 15.000 môi giới quay lại thị trường, giúp các sàn tái lập hoạt động và phục hồi mạng lưới phân phối.
Niềm tin đang trở lại, nhưng…
Các chuyên gia từ CBRE cũng xác nhận thời điểm hiện tại là “mùa vào sóng” của bất động sản Việt Nam. Nhiều chủ đầu tư đã khởi động lại loạt dự án quy mô lớn như Wonder City (Vinhomes), Golden City, Sun Urban Hà Nam hay Xanh Island Cát Bà... Mặt khác, hoạt động M&A quỹ đất, mở rộng liên kết phân phối, và tuyển dụng nhân sự đang diễn ra sôi động trên cả nước.
Không chỉ các sàn môi giới, thị trường địa ốc cũng đang chứng kiến quá trình phục hồi nhịp nhàng. Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2025, có gần 2.800 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2024. Đồng nghĩa, bình quân mỗi tháng có thêm khoảng 430 doanh nghiệp mới được thành lập trong lĩnh vực bất động sản. Đây là những chỉ dấu tích cực cho thấy “sức sống” của thị trường đang dần được tái thiết.
Tuy nhiên, đằng sau bức tranh phục hồi đó, vẫn tồn tại nhiều gam màu xám mà các doanh nghiệp môi giới buộc phải đối mặt. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là bài toán chọn lọc chủ đầu tư và sản phẩm phân phối phù hợp.
Bà Trịnh Thị Kim Liên – Giám đốc Kinh doanh của Dat Xanh Services – cho biết: “Các chủ doanh nghiệp môi giới đang đứng trước những quyết định chiến lược quan trọng về lựa chọn đối tác đồng hành, địa bàn hoạt động cũng như mô hình kinh doanh phù hợp với thị trường giai đoạn mới”.
Không còn thời hoàng kim “bán hàng là có khách”, các sàn phải tái cấu trúc, chuyên sâu vào các phân khúc phù hợp như nhà ở vừa túi tiền, bất động sản công nghiệp hoặc nghỉ dưỡng – những mảng đang có thanh khoản tốt và sức mua hồi phục rõ nét. Việc dàn trải lực lượng vào các sản phẩm cao cấp, kén khách hiện không còn là lựa chọn an toàn.
Mặt khác, nguồn cung dù được dự báo dồi dào nhưng vẫn chưa thực sự đồng đều giữa các khu vực. Tại một số địa phương, đặc biệt ở miền Bắc, việc pháp lý dự án kéo dài, quỹ đất khan hiếm, cùng với các điều kiện tín dụng chưa hoàn toàn thuận lợi cũng đang tạo ra áp lực nhất định cho các sàn giao dịch.
Ngoài ra, sự cạnh tranh trong nội bộ ngành môi giới cũng ngày càng khốc liệt, đặc biệt khi xu hướng "nam tiến" – đưa đội ngũ sale vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam – tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Việc mở rộng địa bàn đồng nghĩa với chi phí vận hành cao hơn, yêu cầu nhân sự chuyên nghiệp hơn, và đòi hỏi chiến lược quản trị hiệu quả hơn nếu muốn tồn tại lâu dài.
Trước tình thế hiện nay, nhiều doanh nghiệp môi giới đã bắt đầu lựa chọn mô hình kinh doanh gọn nhẹ, số hóa quy trình môi giới và tăng cường liên minh chiến lược với các chủ đầu tư và sàn phân phối khác. Việc hoạt động đơn lẻ, phụ thuộc vào một nguồn hàng duy nhất đang dần bị thay thế bằng các mô hình hợp tác đa dạng và linh hoạt.
Không ít doanh nghiệp cũng lựa chọn chiến lược “tái cơ cấu địa bàn hoạt động”, chỉ giữ lại những thị trường có tiềm năng thanh khoản cao, tập trung nguồn lực để gia tăng hiệu quả thay vì dàn trải. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí vận hành, mà còn phù hợp với định hướng phục hồi thận trọng của thị trường địa ốc năm 2025.
Tựu trung lại, với nguồn cung sắp tới được dự báo dồi dào và niềm tin thị trường đang dần hồi phục, môi giới bất động sản Việt Nam đang có cơ hội bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới – nhưng sẽ là cuộc chơi của những người đủ bản lĩnh, tầm nhìn và chiến lược.
Hưng Nguyên