A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội đầu tư chứng khoán ngày càng hấp dẫn?

Khối ngoại mua ròng mạnh mẽ trở lại, định giá vẫn rẻ, những yếu tố nội tại tích cực cùng triển vọng nâng hạng ngày một rõ ràng, được cho là “cú hích” giúp VN-Index sẽ tăng điểm tích cực trong nửa cuối năm.

VN-Index đang trình diễn một màn “hồi sinh” ngoạn mục kể từ đáy. Chỉ số chính tăng một mạch qua ngưỡng quan trọng 1.400 điểm và hiện đã vượt 1.445 điểm. Cùng với đó, phiên giao dịch hơn 1 tỷ USD đã xuất hiện trở lại.

Khối ngoại quay lại mua ròng

Dòng tiền nội tiếp tục là động lực then chốt giúp "giữ nhiệt" cho VN-Index khi tâm lý nhà đầu tư trong nước được cởi trói. Tuy nhiên, không thể không nhắc tới một trong những yếu tố đóng góp cho đà tăng của thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua là sự mua ròng mạnh mẽ trở lại của khối ngoại sau 2 năm liên tục rút vốn.

-3759-1752139683.jpg

VN-Index đang trình diễn một màn “hồi sinh” ngoạn mục kể từ đáy.

Tính từ đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 9.200 tỷ đồng trên HoSE. Đây là giai đoạn dòng tiền ngoại đổ vào cổ phiếu Việt Nam mạnh mẽ nhất trong gần 3 năm trở lại đây.

“Triển vọng Việt Nam được FTSE nâng hạng ngày một rõ ràng hơn cùng với tốc độ tăng trưởng cao đang giúp Việt Nam có sức hút đặc biệt với dòng vốn ngoại sau khi bị bán ròng kỷ lục 8 tỷ USD trong suốt 4 năm qua”, SGI Capital cho hay.

Theo ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư cấp cao, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, đang xuất hiện tín hiệu dòng tiền rút khỏi TTCK Mỹ do dự báo kinh tế nước này chậm lại, đồng USD suy yếu và lãi suất giảm.

Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài đặt kỳ vọng vào TTCK Việt Nam, nhất là triển vọng sớm được nâng hạng.

"Nếu không có trở ngại lớn, khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng là hơn 50%. Dù được nâng hạng vào tháng 9 năm nay hay tháng 3/2026 đều là thông tin tích cực, vì nhà đầu tư vẫn có kỳ vọng", ông Minh nhận định.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Phân tích, Khối Khách hàng Cá nhân của Maybank Investment Bank (MSVN) nhận xét, tăng trưởng kinh tế tốt, những tín hiệu tích cực từ đàm phán thuế quan Việt Nam – Mỹ, cùng với đó là kỳ vọng nâng hạng thị trường kích thích dòng vốn ngoại có thể đang “đón đầu” cơ hội. Dòng vốn nước ngoài có thể tăng tốc trong nửa cuối năm 2025. Ngoài kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, đồng USD đã suy yếu khoảng 10% tính đến hiện tại phản ánh lo ngại tăng trưởng chậm lại và rủi ro tài chính gia tăng tại Mỹ.

Thống kê từ số liệu quá khứ, Chứng khoán BIDV (BSC) đã chỉ ra đặc điểm đáng chú ý của diễn biến dòng vốn ngoại tại một số thị trường châu Á trước thềm nâng hạng. Đó là việc nhà đầu tư nước ngoài thường tham gia vào thị trường trước khi thông tin nâng hạng được công bố một khoảng thời gian dài, thay vì chờ đợi đến thời điểm công bố.

Cụ thể, đối với thời điểm ra thông báo “Chấp thuận nâng hạng” (gọi là T0), hoạt động mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài thường diễn ra trước đó từ 4- 5 tháng. Đồng thời, khối ngoại cũng mua ròng nhiều hơn vào tháng có kết quả công bố và giảm dần trong vòng 1 tháng sau đó.

Đối với thời điểm diễn ra quá trình “Chuyển đổi nâng hạng” (gọi là T1), dòng tiền ngoại cũng sẽ mua ròng mạnh mẽ khoảng 4-5 tháng trước khi diễn ra quá trình chuyển đổi và có xu hướng mua ròng trong chính thời gian chuyển đổi kéo dài tới 1 tháng liền sau. Tiếp khoảng thời gian này, khối ngoại sẽ quay đầu bán ròng trong vòng 1-2 tháng trước khi mua ròng trở lại nhưng giá trị không đáng kể.

Giới phân tích nhận định, nếu được nâng hạng, dự báo dòng vốn thụ động và chủ động vào Việt Nam có thể đạt 3-7 tỷ USD. Và với xu hướng mua mạnh như hiện nay của khối ngoại, việc giải ngân con số này trong một thời gian ngắn sẽ tạo ra “cú hích” rất lớn cho TTCK.

Thêm nhiều yếu tố hỗ trợ

Bên cạnh sự tích cực của dòng vốn ngoại, những yếu tố nội tại như Chính phủ đang thúc đẩy các cải cách nhằm trao quyền cho khu vực tư nhân; giải ngân đầu tư công đang tăng tốc trong bối cảnh Chính phủ đẩy nhanh kế hoạch triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia; tăng trưởng tín dụng năm 2025 được kỳ vọng sẽ vượt 16%, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp; khung pháp lý thống nhất trong xử lý nợ xấu, góp phần làm lành mạnh hơn hệ thống tài chính; nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hơn 2.200 dự án bất động sản đình trệ; mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư công và mô hình hợp tác công - tư (PPP)… là những yếu tố được cho là sẽ giúp VN-Index tăng điểm tích cực trong nửa cuối năm.

Liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ, các chuyên gia cho rằng sẽ không tác động quá lớn đến TTCK trong nửa cuối năm 2025. Bởi đến thời điểm hiện tại, dù chưa có mức thuế cụ thể áp cho hàng hóa Việt Nam nhưng những tín hiệu ban đầu là tích cực và thị trường đã phản ánh phần nào vào giá cổ phiếu.

Hơn nữa, sau những đợt tăng nóng của giá bất động sản, giá vàng và cả Crypto, chứng khoán đang là kênh tài sản lớn duy nhất còn lại vẫn đang rẻ và nằm dưới đỉnh năm 2022. Hiện tại, VN-Index vẫn đang duy trì định giá hấp dẫn so với lịch sử, với P/E dưới mốc bình quân 10 năm.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu, lợi nhuận vượt đỉnh 2022 với triển vọng tăng trưởng tiếp tục mạnh mẽ và mức trả cổ tức tiền mặt vượt xa lợi tức cho thuê bất động sản và có thể so sánh với kênh tiền gửi.

SGI Capital cho rằng TTCK Việt Nam đã có sự hồi phục hợp lý trong tương quan mức thuế mà Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ chịu áp lực chốt lời khi mức tăng trở nên quá nóng dưới tác động của dòng vốn ngoại.

Tuy nhiên, mức định giá còn ở vùng hợp lý cùng với nhiều lực đẩy cả ngắn, trung và dài hạn sẽ giúp TTCK Việt Nam duy trì xu hướng tăng và có cơ hội vượt lên biên trên của kênh định giá khi chính thức được nâng hạng vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2026.

Hải Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết