A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trẻ em cần được hỗ trợ thích hợp để phục hồi sau đại dịch

Rõ ràng là hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành đã để lại những vết sẹo rất sâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả giáo dục.

Trẻ em cần được hỗ trợ rất lớn để tiếp tục con đường học tập, phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần sau những tác động gây nên bởi đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Nhân dân

Trẻ em trong độ tuổi đi học rất dễ bị tổn thương, bởi chúng sẽ thấy mình bị mắc kẹt trong 4 bức tường mà không biết phải giải quyết thế nào đối với việc trường học đột ngột bị đóng cửa, cộng thêm đó là trải nghiệm mới mẻ khi học trực tuyến từ xa, hay cả những câu chuyện nghiệt ngã về những mạng sống bị cướp đi do đại dịch gây ra được ghi nhận hằng ngày.

Do độ tuổi nhỏ, trẻ em thường khó có thể chia sẻ nỗi đau phải gánh chịu trong tâm trí. Nhiều trẻ em thậm chí đã phải trải qua nỗi đau khi chứng kiến người thân qua đời vì dịch bệnh. Tất cả những điều này chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần và con đường giáo dục của trẻ.

Trong thời gian gần đây, các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và nhà tâm lý học đã và đang tìm cách giải quyết những tác động đa chiều mà đại dịch để lại cho trẻ em, bao gồm cả trẻ em gái ở vùng nông thôn, những người đặc biệt dễ bị tổn thương và xem xét những tác động đó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của trẻ như thế nào.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, trong khi một số “vết sẹo mới” có thể sẽ sớm được chữa lành, những vết sẹo dài ngày sẽ mất nhiều thời gian tiếp nhận tư vấn tâm lý tại trường học và ở nhà mới có thể nhìn thấy kết quả cải thiện.

Một nghiên cứu vừa được công bố gần đây về tính dễ bị tổn thương của trẻ em gái vị thành niên, được thực hiện bởi Viện Quản trị và Phát triển Brac (BIGD), cũng như được hỗ trợ bởi Cao Ủy Anh và Đại sứ quán Đức cho thấy, trẻ em phải đối mặt với những nguyện vọng giáo dục thấp hơn, sức khỏe tâm lý xã hội kém hơn, cũng như sự gia tăng về hạn chế của gia đình, gia tăng kiểm soát áp đặt lên những mối quan hệ xã hội.

Sử dụng dữ liệu thống kê từ các cuộc khảo sát hộ gia đình, các nhà nghiên cứu cho biết việc giải quyết khó khăn kinh tế trong thời gian đất nước áp đặt lệnh phong tỏa là mối quan tâm lớn của hầu hết mọi nhà. Do đó, người lớn và thanh thiếu niên phải chịu đựng những áp lực ngang nhau khi lo lắng về tương lai của mình. Nhiều bé trai ở tuổi vị thành niên phải giúp gia đình kiếm thêm thu nhập, hoặc giảm chi phí trong gia đình “bằng cách nghỉ học”. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ sắp xếp cho con gái họ kết hôn sớm. Điều này đã thu hẹp triển vọng sống của chúng. Nhiều trẻ em đã phải chịu đựng bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, đối với những trẻ em vẫn được đến trường, tiếp tục con đường học tập, cũng có những lo ngại về chất lượng giáo dục mà trẻ tiếp nhận. Tất cả những điều này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì sự liên tục trong giáo dục, nơi trẻ em có thể học và chơi cùng lúc.

Cần phải nhìn nhận một cách cụ thể rằng sức khỏe tinh thần của trẻ em là đặc biệt quan trọng, khi các em cũng đang nỗ lực phục hồi sau tác động của đại dịch. Trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn về mặt chính sách, đồng thời giải quyết khó khăn kinh tế cho gia đình các em là điều nên làm, qua đó đảm bảo phục hồi con đường giáo dục và học tập của trẻ, đặt trường học như một nền tảng xã hội hóa cũng là vấn đề cần được ưu tiên.

Các chuyên gia kêu gọi các nhà chức trách tích hợp những vấn đề này vào các kế hoạch phục hồi cho học sinh.

Đan Lê (Lược dịch từ The Straistimes)


Tags: trẻ em
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết