Cà Mau kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022
Vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm về ATTP trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm về ATTP trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Cà Mau giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch của Ban Chỉ đạo và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra hậu kiểm, bao gồm: Kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022; Kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì ATTP 2022; Kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Trung thu 2022.
Bên cạnh đó, kiểm tra, hậu kiểm thường xuyên liên tục về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm theo đúng nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại phụ lục II, III, IV Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018.
Ngoài ra, kiểm tra, hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm quy định tại Điều 40 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Kịp thời phát hiện ngăn chặn xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: https://www.camau.gov.vn/)
Kế hoạch chỉ rõ, cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp, thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, đánh giá việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn, kinh doanh thức ăn đường phố; kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và kiểm soát quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, rau củ, quả và sản phẩm rau củ quả, thủy sản, sản phẩm thủy sản, phụ gia thực phẩm… và các sản phẩm thực phẩm theo sự phân công trách nhiệm quản lý của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Trên cơ sở đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đảm bảo ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, đánh giá tình hình về ATTP đối với các nhóm thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm định hướng giải pháp quản lý.
Qua công tác kiểm tra, hậu kiểm, các đơn vị tiếp tục tuyên truyền chính sách pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP, nâng cao nhận thức của cộng đồng về đảm bảo ATTP. Từ đó, hướng đến mục tiêu ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn; quảng cáo thực phẩm vi phạm; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng công khai Bộ Y tế theo quy định.
Bích Phương