A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi

Ngày 21/3, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia tại Việt Nam (ACIAR) tổ chức Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”.

Nuôi lợn trong phòng lạnh khép kín tại trang trại ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Hoàng Nhị/TTXVN

Theo ông Võ Trọng Thành, chuyên viên Cục Chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp.

Theo định hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Hiện cả nước có số lượng lợn đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác động nhất định đối với môi trường. Vấn đề đặt ra là xử lý môi trường.

Chia sẻ về sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp, bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, chúng ta đã sử dụng các mô hình như: vườn ao chuồng (VAC); luân canh lúa - tôm, lúa - cá; sản xuất phân hữu cơ từ khí thải nông nghiệp; sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô - gia súc, gia cầm - cá; chăn nuôi an toàn sinh học 4F; vòng tuần hoàn xanh trong các trang trại bò sữa; nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước…

Tuy nhiên, bà Nguyễn Giang Thu cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất; tỷ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp. Tư duy trước đây vẫn còn coi phụ phẩm đó là rác thải, chưa coi đó là tài nguyên cần phải xử lý để tiếp tục tuần hoàn.

Trong thời gian tới, bà Nguyễn Giang Thu cho biết, các nhiệm vụ về khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam cần nâng cao nhận thức, vai trò, hiệu quả của các mô hình; hoàn thiện cơ chế thúc đẩy đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực; thị trường sản phẩm được sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn…

Với số lượng đàn lợn lên tới 2,6 triệu con, tỉnh Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ” lợn của cả nước, ông Trần Lâm Sinh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang có những chuyển biến tích cực, phù hợp xu hướng chuyển đổi, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Tỉnh đang áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp như mô hình nuôi ruồi cánh đen, sử dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp các phụ phẩm được gần như triệt để. Tỉnh bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, song về việc áp dụng biogas đang còn nhiều hạn chế và thực hiện trên quy mô nhỏ, diện tích sử dụng đệm lót sinh học của chăn nuôi tỉnh đạt trên 330.000 m2. Sản lượng phân hữu cơ sử dụng từ phụ phẩm chăn nuôi của tỉnh là 2 triệu tấn/năm.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức người dân, nâng cao năng lực đầu tư, nghiên cứu, tận dụng công nghệ, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp tuần hoàn thông qua hỗ trợ vốn, chính sách ưu tiên, liên kết các thành phần kinh tế theo chuỗi giá trị...

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đánh giá, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về kinh tế tuần hoàn quy mô nhỏ - vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, hợp tác xã còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, khung luật pháp chưa hoàn thiện.

Ông Nguyễn Anh Phong cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa.

Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất áp dụng công nghệ về kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế. Thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về kinh tế tuần hoàn.

Nhìn từ thực tế khi tận dụng phụ phẩm của các nhà máy chế biến nông sản làm thức ăn cho bò, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, khi vận chuyển phụ phẩm này thì lại vướng bởi sản phẩm được coi là chất thải theo Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, cần có sự đồng bộ giữa các luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác.

Hay Luật Chăn nuôi quy định động vật khi bị dịch bệnh phải tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp. Hình thức này sẽ rất mất nhiều thời gian để tiêu hủy. Do đó, có thể dùng phương pháp xử lý bằng nhiệt ở nhiệt độ 100 độ C, có thể tái sử dụng vật nuôi đó làm thức ăn cho vật nuôi khác, ông Công đề xuất.

Để chăn nuôi bền vững, an toàn, ông Nguyễn Trí Công cho rằng, các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng ngay từ các khâu đầu vào (thức ăn, vệ sinh môi trường…) để đảm bảo sản phẩm sạch ngay từ quá trình sản xuất. Cùng với đó, các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cũng phải tham gia chuỗi tuần hoàn này.

Theo TTXVN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan