A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sâm Lai Châu hướng đến thị trường xuất khẩu khó tính nhất

Được ví như quốc bảo của Việt Nam, sâm Lai Châu đang được trồng theo công nghệ Nhật Bản đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế.

Hướng đến phát triển bền vững

Lai Châu, với địa hình hiểm trở đặc trưng, khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng, chính là vùng đất lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài dược liệu đặc hữu.

Tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu sẽ phát triển sâm theo hướng bền vững, không mở rộng tràn lan.

Tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu sẽ phát triển sâm theo hướng bền vững, không mở rộng tràn lan.

Với diện tích trồng trên 130 ha, sâm Lai Châu là loài cây bản địa, đặc hữu, phân bố hẹp trên địa bàn tỉnh Lai Châu, được người dân bản địa sử dụng làm thuốc từ rất lâu với tên gọi tam thất đen, tam thất đỏ. Đến năm 2013, nhóm nghiên cứu Phan Kế Long đã phát hiện, nghiên cứu, mô tả một loại sâm mọc tự nhiên ở huyện Mường Tè, huyện Tam Đường, huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu và đặt tên là sâm Lai Châu.

Được các chuyên gia nghiên cứu và đông y đánh giá là sâm quý và giá trị hàng đầu thế giới, trải qua nhiều công trình nghiên cứu, bảo tồn đã xác định được Sâm Lai Châu có hàm lượng saponin cao, cùng nhiều axit amin và khoáng chất thiết yếu. Những thành phần này mang lại nhiều tác dụng sinh học quý giá như tăng cường sức khỏe, chống oxy hóa, kháng viêm, bảo vệ thần kinh và hỗ trợ phòng chống ung thư. Đây chính là giá trị cốt lõi và tiềm năng lớn của sâm Lai Châu trên thị trường.

Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, sâm Lai Châu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bảo hộ và nhiều đối tác quốc tế đánh giá cao. Nhằm khai thác tối đa tiềm năng của loài dược liệu quý này, tỉnh sẽ tập trung vào các chính sách bảo tồn giống gốc, lựa chọn cây mẹ, cây đầu dòng chất lượng cao, đồng thời xác lập vùng nguyên liệu để phát triển sâm theo hướng hữu cơ, sạch và đạt chuẩn. Đồng thời, sẽ phát triển sâm theo hướng bền vững, không mở rộng tràn lan.

Bên cạnh đó, Lai Châu đang tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, để phát triển công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, hiện trên địa bàn huyện Mường Tè đã có hơn 20ha sâm Lai Châu được trồng theo quy trình kỹ thuật và công nghệ của Nhật Bản.

Dự án do Công ty cổ phần sâm Pu Si Lung thực hiện từ năm 2023 với quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, sản xuất giống, phân bón theo công nghệ hữu cơ của Nhật Bản. Mới đây, ông Kiyoshi Ueda, Thượng nghị sĩ Nhật Bản trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Lai Châu đã thăm và đánh giá cao khu trồng sâm Lai Châu này.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Nhật Bản vào trồng sâm tại Lai Châu là bước đột phá trong chiến lược phát triển dược liệu của địa phương. Điều này không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây sâm, quy trình canh tác hiện đại còn bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, yếu tố quan trọng để chinh phục thị trường quốc tế.

Gỡ nút thắt để sâm Lai Châu vươn ra thị trường thế giới

Tuy nhiên, theo ông Hà Trọng Hải hiện nay sâm Việt Nam chưa có trong danh mục ADN được công nhận tại Nhật, vì vậy bước đầu tỉnh định hướng chế biến thành thực phẩm chức năng để thâm nhập thị trường này, sau đó phấn đấu đưa sâm Lai Châu vào danh mục nguyên liệu chính thức.

Do đó, ông Hà Trọng Hải đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các nhà khoa học sớm nghiên cứu, xây dựng quy trình chuẩn về kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh, cũng như nghiên cứu dược tính, độc tính để làm cơ sở khoa học đưa vào dược điển và phục vụ xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Huy Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lai Châu, cho biết, sâm Lai Châu không chỉ là một sản phẩm dược liệu quý mà còn là biểu tượng cho khát vọng phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người dân Lai Châu.

Để đưa sâm Lai Châu phát triển đúng với tiềm năng vốn có, mang lại lợi ích chung và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành dược liệu Việt Nam trên trường quốc tế, ông Bùi Huy Phương cũng kiến nghị cơ quan chức năng tháo gỡ bất cập trong cấp mã số cơ sở trồng sâm Lai Châu theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, đảm bảo hiệu quả và thuận lợi cho cơ quan quản lý ở địa phương và đơn vị sản xuất sâm.

Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho phát triển sâm Việt Nam nhằm tạo hành lang thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, khai thác, chế biến sâm Việt Nam nói chung, sâm Lai Châu nói riêng phù hợp với đặc thù của cây trồng giá trị cao;…

Tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu phát triển 3.000 ha sâm Lai Châu vào năm 2030 tại các địa phương tiềm năng, đảm bảo 100% diện tích được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý, đạt chuẩn GACP-WHO.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết