Vượt qua nỗi đau da cam
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã đi qua hàng chục năm, nhưng hậu quả nặng nề mà nó để lại vẫn còn đó. Trong những nỗi đau còn lại sau chiến tranh hóa học, thì di chứng da cam chính là nỗi đau lớn nhất, dai dẳng nhất không thể phai mờ trong 1 hoặc 2 thế hệ.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thăm một gia đình nạn nhân ở Phong Điền
Các nghiên cứu cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của con người từ hệ thống tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, nội tiết, thần kinh đến gây ung thư, tổn thương da, gan, tuyến giáp trạng, gây đột biến gen… và di truyền đến thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4.
Những bệnh, dị dạng, dị tật này đã gây nên những nỗi đau tột cùng cả về tinh thần, thể xác cho nhiều nạn nhân và gia đình họ qua 2, 3 thế hệ. Có những cặp vợ chồng suốt cả cuộc đời chưa được 1 lần làm cha, làm mẹ. Lại có những người vợ chẳng bao giờ được làm thiên chức vốn có của người phụ nữ. Cũng có những cặp vợ chồng sinh được con mà chẳng được yêu thương, nuôi con khôn lớn mà suốt cả cuộc đời phải chăm sóc, cưu mang, nuôi dưỡng những đứa con, đứa cháu tật nguyền, dị dạng về thể xác, không ổn định về tinh thần. Nỗi đau cứ theo đó mà dai dẳng.
Một gia đình khác ở Phú Bài, thị xã Hương Thủy, có người chồng tham gia chiến đấu trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học của quân đội Mỹ, là nạn nhân chất độc da cam, đã mất cách đây vài năm. Ông, bà có được người con trai đầu là không dị tật, có lấy được vợ nhưng lại chẳng có được con. Hai người con còn lại một nam, một nữ thì lại vừa câm, vừa điếc. Đứa con trai câm lấy được vợ, sinh được 1 cháu “nội đích tôn” thì lại cũng không nghe, không nói được, chân tay khẳng khiu, co quắp. Cô con gái thì không ai lấy làm vợ, năm nay đã gần 40 tuổi rồi, vẫn ở vậy trong gia đình gồm 3 thế hệ.
Lại có một gia đình, bản thân người chồng là nạn nhân chất độc da cam, hai vợ chồng sinh được 4 người con trai thì cả 4 người đều thiểu năng trí tuệ. Cháu đầu đã hơn 43 tuổi, cháu út hơn 18 tuổi, nhưng không biết giao tiếp là gì, chẳng hề biết đếm tiền, đếm số. Thi thoảng họ cũng có một nụ cười, nhưng hoàn toàn là bản năng và rất vô hồn, vô cảm.
Vậy nhưng, trong những nỗi đau tột cùng đó, những nạn nhân chất độc da cam, những người cha, người mẹ, người anh, người chị, những người nuôi dưỡng nạn nhân… đã không chấp nhận và buông xuôi cho số phận. Họ đã vượt qua chính mình, hòa nhập với cộng đồng, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của Hội Nạn nhân da cam/dioxin các cấp, các nhà hảo tâm… để không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Họ đã tự mình xoay xở với những mưu sinh đời thường, cùng với người thân, làm nương, làm rẫy, hay tích lũy ít tiền để kinh doanh nhỏ, hoặc vay vốn để chăn nuôi gia cầm, gia súc, trồng cây ngắn ngày, gây dựng vườn nhà một cách quy củ để trồng cây lấy quả có thu nhập khá cao, nhà cửa khá khang trang, bề thế.
Tuy nhiên, di chứng da cam đã và đang dày vò về tinh thần và thể xác; những thiệt thòi về mọi mặt của nạn nhân và gia đình họ chắc chắn sẽ còn kéo dài, dai dẳng. Nỗi đau da cam vẫn chưa dừng lại, nó vẫn đang âm ỉ, đeo bám trong hàng triệu gia đình ở Việt Nam mà chưa biết khi nào chấm dứt. Và, có ai trong chúng ta dám khẳng định được rằng, thế hệ thứ 3, thứ 4… trong các gia đình nạn nhân da cam này sẽ không còn di chứng? Do vậy, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể, các cá nhân, các nhà hảo tâm… trong và ngoài nước là hết sức quan trọng và cần thiết để tiếp tục động viên cho các nạn nhân chất độc da cam. Chính sự đồng hành, chia sẻ này là nguồn động viên rất ý nghĩa, góp phần làm vơi đi nỗi đau đang cào xé về tinh thần và thể xác. Đồng thời, làm giảm bớt đi một phần khó khăn mà các nạn nhân, gia đình họ đã và đang gánh chịu trong cuộc sống hàng ngày.