A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc mở đường sắt đến Thái Lan và Lào, xuất khẩu nông sản Việt sẽ gặp thách thức

Cách đây 2 ngày Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là một vấn đề đặt ra cho nông sản Việt. 

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tại Diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)" ngày 10/2. 

-7849-1675998650.jpg

Tuyến đường sắt khứ hồi Trung Quốc - Lào - Thái Lan vừa đi vào hoạt động.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản. Đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nói chung nhằm xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Trung Quốc và Việt Nam luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau”. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động thúc đẩy và triển khai các quy định giữa hai nước. Các Bộ: Công thương, NN&PTNT, Ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan đều phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để kết nối doanh nghiệp hai nước nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu thương mại giữa hai nước”.

“Hiện nay, tại Lào Cai, một ngày có trên 500 xe xuất khẩu nông sản, còn tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan. Như vậy, lưu lượng xe bắt đầu có tăng lên”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Thực tế thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định 248 và 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm. Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ NN-PTNT cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bộ NN&PTNT đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ ra thách thức, cách đây 2 ngày Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là một vấn đề đặt ra cho nông sản Việt. 

"Nếu doanh nghiệp của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc", ông Nam khuyến cáo.

Theo ông Lê Thanh Hòa Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 53 tỷ USD. Trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD, đây là thị trường rộng lớn. Do đó, nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc là trên 260 tỷ USD, thì chúng ta mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%.

Theo ông Hòa, các nhóm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc gồm gỗ, sắn, rau quả, cao su. Trong đó, ngành quan trọng là cao su, chiếm đến 70% thị phần xuất đi thế giới, chủ yếu qua đường Vân Nam. Từ đó, ông Hòa nhận định Trung Quốc có tác động rất lớn đến giá cao su.

Về thuận lợi trong thời gian tới, ông Hòa cho rằng thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc qua ngả Vân Nam sẽ có khởi sắc. Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ, từ nay đến 30/6. Riêng với mặt hàng hoa quả, Bộ NN&PTNT đã cấp hơn 2.000 mã số cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Chính sách thương mại biên mậu với Trung Quốc cũng có nhiều ảnh hưởng với rau quả tươi. Việc liên quan đến thuế giá trị gia tăng, chúng tôi đã có kiến nghị cụ thể với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công thương liên quan đến RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực). Chúng ta cần làm sao để giảm bớt cản trở, thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Hòa nói.

Lãnh đạo Văn phòng SPS cho biết, Bộ NN&PTNT đang phối hợp tốt với Hải quan Trung Quốc để giữ cho việc xuất khẩu thuận lợi. Bộ NN&PTNT cũng đang đàm phán với đối tác Trung Quốc về việc đề xuất nhóm hoa quả tiếp theo như bưởi, bơ, na, roi, thảo quả, dứa.

Ông Hòa nêu kiến nghị với UBND tỉnh Lào Cai về việc Biên phòng Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ với xe từ bến bãi phía bạn vào thị trường. “Đề nghị Lào Cai đàm phán với phía bạn, tạo điều kiện thông thương tốt hơn”.

Theo ông Hòa, một trong những chiến lược xuất khẩu của Việt Nam là tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, kết nối với đường biển, đường bộ từ các nước ASEAN qua. Đây là vấn đề cần hoàn thiện, đẩy nhanh tốc độ triển khai.

Thy Lê 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết