A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng sẽ không còn 'ngon ăn'?

Trong năm qua, lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tăng vọt nhờ phân phối bảo hiểm, theo đó nhiều nhà băng thu về khoản lãi hàng nghìn tỷ đồng từ bảo hiểm. Tuy nhiên, từ những vụ việc bán "bia kèm lạc", gian dối trong tư vấn bảo hiểm... trong thời gian gần đây, có lẽ phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) từ năm 2023 trở đi sẽ không còn "ngon ăn" như trước.

Không phải đến bây giờ mà nhiều năm nay, các ngân hàng đã tích cực gia tăng nguồn thu ngoài lãi, khi mà chi phí đầu vào ngày một tăng và cạnh tranh cho vay ngày càng gay gắt.

Những ngân hàng thắng đậm nhờ bán bảo hiểm

Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2022, MB là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm lớn nhất hệ thống nhờ sở hữu hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life.

Cụ thể, năm 2022, ngân hàng này ghi nhận doanh thu 10.185 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, chiếm tới 71,5% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ (năm 2021 là 68%).

-1624-1675937607.jpg

Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vẫn đang là kênh kinh doanh hấp dẫn mang lại nguồn thu cho cả bảo hiểm và ngân hàng.

Ngân hàng thứ hai thắng đậm nhờ bảo hiểm là VPBank. Năm 2022, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của VPBank đạt 3.353 nghìn tỷ đồng, chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ, tăng trưởng 42%.

Chưa kể, năm 2022, VPBank còn thu về ước khoảng 8.000 tỷ đồng từ thương vụ tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam. Năm 2022, lãi thuần từ hoạt động khác của VPBank lên tới 10.583 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2021 là nhờ thương vụ này.

Ngoài ra, Techcombank, VIB, TPBank cũng là các ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng từ bảo hiểm. Năm 2022, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank tăng 12,3% đạt hơn 1.750 tỷ đồng. Tại VIB, riêng thu nhập hoa hồng bảo hiểm năm 2022 là 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021. Tại TPBank, thu từ dịch vụ kinh doanh, bảo hiểm và tư vấn là 876 nghìn tỷ đồng, giảm 8,2% so với năm 2021.

Một lãnh đạo cao cấp của VIB cho biết, không chỉ năm 2022, mà trong suốt hơn 5 năm qua, VIB thuộc nhóm ngân hàng có tăng trưởng tín dụng bán lẻ dẫn đầu thị trường, khi chiếm tỷ trọng hơn 90% trong tổng tín dụng. Theo đó, dư nợ bán lẻ của VIB vượt 200.000 tỷ đồng, có quy mô thuộc nhóm hàng đầu trong số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Có thể thấy, tuy đã phát triển rất mạnh thời gian qua nhưng dư địa của mảng bancassurance (liên kết giữa ngân hàng – bảo hiểm) vẫn còn rất lớn. Ông Lê Phạm Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life ) cho biết, đối với kênh bancassurance, tỷ lệ thâm nhập của khách hàng tại ngân hàng mua bảo hiểm mới chỉ ở mức 5-8%.eo các chuyên gia kinh tế, bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, song không phải ai cũng có nhu cầu. Chính vì vậy, việc tư vấn bảo hiểm phải công khai, minh bạch, tránh rủi ro đạo đức. Vì vậy, việc bổ sung hành lang pháp lý về nghiệp vụ bancassurance rất quan trọng.

"Thị trường đang trong giai đoạn cạnh tranh rất khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận trả mức phí Upfront fee (phí trả trước) rất cao để thâm nhập vào danh mục khách hàng của nhà băng. Điều này cũng cho thấy mảng bancassurance có sự hấp dẫn rất lớn", ông Duy chia sẻ.

Bancassurance sắp bị hạn chế tăng trưởng?

Trên thị trường hiện nay, hầu như ngân hàng lớn nào cũng đã tham gia vào kênh bancassurance. Giá trị các thương vụ độc quyền giữa hãng bảo hiểm và ngân hàng ít khi được tiết lộ công khai, nhưng được biết con số hàng trăm triệu USD là không hiếm và thậm chí có cá biệt nhà băng đạt tới 1 tỷ USD.

Sự cạnh tranh gay gắt đã xuất hiện những “lát cắt” trên thị trường. Cụ thể, thời gian qua không ít ngân hàng bị khách hàng phản ứng vì ép mua bảo hiểm, gian dối trong tư vấn bảo hiểm.

Công ty chứng khoán SSI Research cho biết, từ 2020 đến nay, đã có nhiều thông tin cùng đồng loạt lên tiếng về hiện tượng các ngân hàng thương mại bán "bia kèm lạc" - yêu cầu khách vay phải mua bảo hiểm thì được ưu tiên giải ngân khoản vay sớm, nhanh hơn.

Vào cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu mỗi ngân hàng cần rà soát toàn bộ mạng lưới của mình, xử lý nghiêm những trường hợp “ép” khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết.

Thậm chí mới đây, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị này đã nhận được các đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam.

Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Do đó, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã chuyển đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết, điều tra theo đúng thẩm quyền.

Theo đơn tố cáo tập thể của nhóm nhà đầu tư, năm 2020 họ đến gửi tiền tại SCB và được hai nhân viên (một nhân viên của Manulife và một nhân viên SCB) tư vấn, dẫn dắt tham gia Hợp đồng đầu tư với tên gọi “Tâm An Đầu Tư” như một hình thức gửi tiết kiệm có lãi suất cao hơn ngân hàng (lãi khoảng 10%/năm). Thời gian hợp đồng là 5 năm, trong đó có một phần đầu tư linh hoạt sau 01 năm có thể rút ra trước hạn nếu cần. Sau 2 năm, khi được phía Manulife yêu cầu đóng phí, nhóm nhà đầu tư này mới vỡ lẽ, hợp đồng đầu tư này là có lồng kèm vào hợp đồng bảo hiểm.

Do tư vấn mập mờ, hợp đồng nhiều sai sót, nhóm nhà đầu tư đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu, công ty bảo hiểm phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Từ những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua, các chuyên gia SSI Research nhận định, phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng từ năm 2023 trở đi sẽ không còn "dễ ăn" như trước nữa và điều này sẽ phản ánh vào tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp. Dự báo, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng 16-18% so với cùng kỳ, cao hơn kết quả năm 2022 nhưng thấp hơn 26% so với mức trung bình lịch sử giai đoạn 2012-2021.

Huyền Anh


Tác giả: Những ngân hàng thắng đậm nhờ bán bảo hiểm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết