A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường các giải pháp ổn định "sức khoẻ" doanh nghiệp

Doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng, là xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn thấp khiến sức chống chịu của doanh nghiệp đã và đang bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau “cú sốc” COVID-19, đòi hỏi những chính sách "chăm sóc" kịp thời...

Thảo luận tại hội trường sáng 29/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến về “sức khỏe” của các doanh nghiệp (DN).

Tăng cường các giải pháp ổn định

Quang cảnh phiên thảo luận

Doanh nghiệp giải thể nhiều vì sức chống chịu cạn kiệt

Nêu hiện trạng DN, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho biết: Trong năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 20,5% so với năm 2022.

4 tháng năm 2024 có gần 86.400 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2 % so với cùng kỳ; số DN tham gia vào thị trường thấp hơn so với số DN rút lui khỏi thị trường.

DN mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27% thấp nhất so với nhiều năm trước khiến mục tiêu phát triển 1,5 triệu DN đến năm 2025 sẽ rất khó đạt được.

“DN tư nhân có vai trò quan trọng, là xương sống của nền kinh tế nên chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN khu vực này ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội”, đại biểu Lan đánh giá.

Tăng cường các giải pháp ổn định

Đại biểu Đỗ Thị Lan

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng của DN nêu trên, theo đại biểu Lan là do ảnh hưởng từ những khó khăn, thách thức của kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là hậu quả của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh DN tư nhân quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số nhưng năng lực quản trị, tiềm lực phát triển, sức cạnh tranh, ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức kinh doanh còn hạn chế.

Bên cạnh đó nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai còn vướng mắc, bất cập dẫn đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các chính sách hỗ trợ DN còn khó khăn.

“Ngoài ra, vẫn còn có tâm lý sợ sai sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức nên việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách còn chậm như công tác phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính kéo dài do việc lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan làm gia tăng chi phí, thời gian cho DN”, đại biểu Lan nêu.

Đồng tình với nhận định của đại biểu Đỗ Thị Lan, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, muốn biết một đất nước có cường thịnh hay không, chỉ cần nhìn vào sự lớn mạnh của các DN quốc gia đó. Từ thực trạng của DN trong nước có thể thấy do tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng lớn đến đơn hàng, xuất - nhập khẩu của các DN.

“Khả năng hấp thụ vốn thấp khiến sức chống chịu của DN đã và đang bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau “cú sốc” COVID-19. Không thể không kể đến nguyên nhân sâu xa đó là các chính sách, quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc cũng là nguyên nhân chính khiến cho các DN giải thể”, đại biểu Thông phân tích.

Tăng cường các giải pháp ổn định

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Thống nhất với giải pháp đưa ra trong báo cáo đề nghị của Chính phủ, song đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh; có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN.

“Cần sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, giảm thời gian cũng như những chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính cho DN;

Cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý kỹ thuật, kỹ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa phá sản phẩm cho DN tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”, đại biểu Lan nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị Chính phủ có các giải pháp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu lao động; nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các DN, nhất là DN mới thành lập...

Tăng cường các giải pháp ổn định

ĐBQH tham dự kỳ họp

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.

Đại biểu đề nghị khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết