A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định về dán nhãn hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy

Luật Bảo vệ môi trường quy định dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.

Chị Hoàng Thị Thanh (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) hỏi: Tôi được biết, tại địa phương nơi tôi sống có Công ty CP Phốt pho Apatit Việt Nam chuyên sản xuất và kinh doanh các hóa chất cơ bản, các vật tư nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh phốt pho, các sản phẩm hóa chất có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, do đó, công ty yêu cầu nhân viên thiết kế dán nhãn hàng hóa thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy để dán lên sản phẩm.

Tuy nhiên, dán nhãn được thiết kế không ghi tên chất ô nhiễm khó phân hủy. Vậy, Tòa soạn cho biết, điều này có phù hợp với quy định pháp luật hay không?

Quy định về dán nhãn hàng hóa, thiết bị có chữa chất ô nhiễm phó phân hủy

Nhiều hội thảo về phổ biến thông tin liên quan đến chất ô nhiễm khó phân hủy sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành đã được tổ chức. Ảnh: Mai Đan

Tại Khoản 2, Điều 39, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy như sau:

Cụ thể: Dán nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

Vị trí, kích thước, màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, ngôn ngữ của nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Nội dung thể hiện trên nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, bao gồm: Tên và hàm lượng chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị hoặc thông tin về việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế có liên quan đến chất ô nhiễm khó phân hủy và các thông tin khác theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, dán nhãn hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải bảo đảm các yêu cầu về vị trí, kích thước, màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, ngôn ngữ và nội dung thể hiện trên nhãn bao gồm: Tên và hàm lượng chất ô nhiễm khó phân hủy. Nếu dán nhãn được thiết kế không ghi tên chất ô nhiễm khó phân hủy thì chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định chi tiết về chất ô nhiễm khó phân hủy (POP) cụ thể:

Điều 69 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định yêu cầu về Bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (Khoản 5 Điều 97) và quy chuẩn kỹ thuật môi trường này phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Khoản 3 Điều 98).

Theo Điều 38 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, chất POP phải được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm và danh mục các chất POP này được ban hành tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng ký miễn trừ chất POP với Ban Thư ký Công ước Stockholm theo yêu cầu của Công ước Stockholm. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP thuộc Phụ lục XVII làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP và gửi hồ sơ đăng ký miễn trừ chất POP về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan