A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt kinh doanh xăng dầu cho Tết Nguyên đán

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Để chủ động kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) ký ban hành Kế hoạch 115/KH-BCĐ389 cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

-7431-1670808931.jpg

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu cho Tết Nguyên đán 2023. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa tại địa bàn quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa, góp phần phòng ngừa các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường; phối hợp Vụ Thị trường trong nước, lực lượng Quản lý thị trường tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các phương án tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, mua bán, trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội...; các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, đầu cơ găm hàng.

Trước đó, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho hay qua các kênh thông tin, việc tổ chức bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu vào dịp Tết sẽ được duy trì bán hàng bình thường. Một số cửa hàng đã có báo cáo và xin nghỉ bán hàng trong đêm và sáng mùng 1 Tết âm lịch nhưng sẽ mở cửa sau 11 giờ. Đồng thời, các đơn vị cũng đã có phương án đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho khách hàng chơi Tết.

Đánh giá tình hình thị trường, ông Khanh cho biết hiện nay không còn tình trạng người dân phải xếp hàng ở tất cả cửa hàng xăng dầu. Tuy vậy, ông Khanh đề xuất vẫn cần phải quan tâm tới việc đảm bảo nguồn hàng, tạo thuận lợi về vận chuyển. Trong bối cảnh tình hình xăng dầu năm 2022 rất "dị biệt", giá khó dự báo, doanh nghiệp cứ nhập về là lỗ, nên ông đề nghị cần quan tâm điều chỉnh chi phí kinh doanh để tạo nguồn, nới room tín dụng...

Trong một diễn biến liên quan, chiều nay (ngày 12/12), Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ trong nước. Dự kiến, mỗi lít xăng có thể giảm 1.200-1.500 đồng, về mức thấp nhất từ đầu năm, nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn.

Tại kỳ điều hành trước, giá xăng RON 95-III giảm 1.080 đồng, về 22.700 đồng/lít; E5 RON 92 là 21.670 đồng/lít. Dầu diesel giảm nhiều nhất (1.590 đồng) về 23.210 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá mới là 23.560 đồng, hạ 1.080 đồng/lít.

Thy Lê

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết