Phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện
Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được UBND tỉnh tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, với quyết tâm chính trị cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố các đối tượng liên quan đến CDC Thừa Thiên Huế
Nhiều giải pháp PCTN
Với ý thức trách nhiệm của thủ trưởng, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cơ quan báo chí, truyền thông, nhất là vai trò của quần chúng nhân dân, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.
Năm 2022, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ về công tác PCTN nhằm cụ thể hóa kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng và dư luận quan tâm. Xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 251 trường hợp CBCCVC chuyển đổi vị trí công tác. Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đảm bảo đúng quy định. Trong kỳ báo cáo có 6.532 người đã kê khai tài sản, thu nhập hàng năm và kê khai bổ sung; 100% bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai theo quy định.
Thanh tra phát hiện 2 vụ tham nhũng
Tuy nhiên, công tác tự kiểm tra ở trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, địa phương để phát hiện hành vi tham nhũng vẫn còn hạn chế; công tác phòng ngừa gắn với công khai, minh bạch trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng... chưa được quan tâm thực hiện tốt làm nảy sinh tham nhũng.
Cụ thể, năm 2022 các đơn vị đã thực hiện 79 cuộc thanh, kiểm tra hành chính; 1.084 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực qua hoạt động thanh tra. Qua đó, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, trong đó, Thanh tra tỉnh đã chuyển 2 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Đó là vụ Hoàng Văn Đức, Giám đốc và Hà Thúc Nhật, Kế toán trưởng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; và vụ việc có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cá nhân, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế tại Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an 2 cấp đã ban hành quyết định khởi tố 3 vụ án/4 bị can; kết thúc điều tra và chuyển Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp đề nghị truy tố 4 vụ/14 bị can của năm 2021 chuyển sang. Án đang tiếp tục điều tra 4 vụ/3 bị can. Qua công tác điều tra, tính đến ngày 2/11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã thu hồi tài sản tham nhũng với số tiền 8,271/9,506 tỷ đồng cần thu hồi, đạt 87%.
Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp đã thụ lý 6 vụ/27 bị can, đã ban hành Cáo trạng truy tố chuyển tòa cùng cấp 5 vụ/15 bị can; Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý 7 vụ/21 bị can, đã xét xử 6 vụ/18 bị can.
Phát huy vai trò của người đứng đầu
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, các cấp, các ngành cần phát huy vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo công tác PCTN; chủ động tự phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vụ án tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với các trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan; xây dựng, thực hiện định mức tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác của CBCCVC; kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thanh tra tỉnh tiến hành xác minh tài sản, thu nhập theo quy định. Thanh tra các cấp, các ngành triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2023 đã được phê duyệt, chú trọng tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN theo quy định; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra và phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng.
Các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vụ án có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng, đặc biệt các vụ việc do báo chí và xã hội quan tâm.
Bài, ảnh: THÁI BÌNH