A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở rộng phân cấp, uỷ quyền trong giải quyết TTHC, đầu tư xây dựng

Phân cấp, uỷ quyền tạo được động lực, tính chủ động giải quyết nhiệm vụ, sát với thực tiễn, giảm tầng nấc trung gian, thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, Luật Thủ đô đã quy định các điều khoản trong giải quyết thủ tục hành chính và trong đầu tư xây dựng. HĐND TP Hà Nội đã cụ thể hoá các quy định, thông qua tại kỳ họp chuyên đề sáng nay (19/11).

HĐND TP Hà Nội vừa thống nhất ban hành Quy định UBND TP, Chủ tịch UBND TP phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND TP, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND TP.

Mở rộng phân cấp, uỷ quyền trong giải quyết TTHC, đầu tư xây dựng

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh trình bày tờ trình tại kỳ họp

Tờ trình của UBND TP nêu rõ, trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với chính quyền địa phương đã từng bước được đổi mới thông qua những nỗ lực hoàn thiện thể chế, mô hình tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ, công chức và phương thức hoạt động.

Phân cấp, uỷ quyền tạo được động lực, tính chủ động giải quyết nhiệm vụ, sát với thực tiễn, giảm tầng nấc trung gian, thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, không cần thiết; phù hợp hơn với nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Tuy nhiên, phạm vi, nội dung phân cấp, uỷ quyền vẫn còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; nhiều nội dung, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị sự nghiệp phải qua phê duyệt của các Sở và tương đương Sở gây khó khăn, chậm trễ trong tổ chức thực hiện của các đơn vị sự nghiệp.

Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập vẫn phải phụ thuộc lớn vào các quyết định từ cơ quan hành chính cấp trên, dẫn đến việc thiếu linh hoạt trong quản lý và ra quyết định. Một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP đã được giao nhiệm vụ, tuy nhiên, khi triển khai các công việc cụ thể vẫn phải trình các Sở và cơ quan tương đương Sở có liên quan để thẩm định và phê duyệt, phát sinh thêm tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian thực hiện và trách nhiệm không rõ ràng, đặc biệt là lĩnh vực quản lý dự án.

Vì thế, việc tiếp tục mở rộng phân cấp, ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được quyền quyết định những nhiệm vụ không trái các quy định của pháp luật và quy trình công tác theo Khoản 6, Điều 14, Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) là yêu cầu khách quan, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, trong đó, có phân cấp, uỷ quyền cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND TP.

Theo đó, Nghị quyết phân cấp cho các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND TP về: Đề xuất các nội dung đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; lập và đề xuất phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị dự án và dự toán chi phí thuê tư vấn nước ngoài; lập và trình phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.

Ủy quyền cho các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND TP, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND TP: Lập và trình phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thực hiện quản lý hợp đồng đối với dự án PPP; thực hiện công tác thẩm định các nhiệm vụ về đo đạc, cắm mốc; trình UBND TP quyết định đầu tư đối với một số dự án nhóm B, nhóm C; phê duyệt và điều chỉnh Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực và chỉ định đơn vị có năng lực, kinh nghiệm tiếp tục thực hiện phần công việc còn lại của hợp đồng.

Bước đột phá trong thực hiện phân cấp, ủy quyền của thủ tục hành chính đã giúp tiết kiệm cho các tổ chức, cá nhân. Trong ảnh: Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” UBND xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây)

Ảnh minh hoạ

Nghị quyết cũng đưa nguyên tắc, các đối tượng phải tuân thủ các quy định của pháp luật; đảm bảo phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Phân cấp, uỷ quyền rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm; cơ quan, đơn vị, cá nhân được phân cấp, ủy quyền và nhận phân cấp, ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các nội dung thực hiện phân cấp, ủy quyền.

Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập nhận ủy quyền không được ủy quyền lại đối với các nội dung, nhiệm vụ nhận ủy quyền; đồng thời, đảm bảo đủ các nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác trong quá trình thực hiện; phân cấp, uỷ quyền để tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Chủ tịch UBND cấp xã được ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết Quy định Ủy quyền giải quyết TTHC của Chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội, cụ thể hóa quy định tại Khoản 4, Khoản 6, Điều 14, Luật Thủ đô.

Chủ tịch UBND cấp xã được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch giải quyết các TTHC: Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch.

Chủ tịch UBND cấp xã được ủy quyền cho công chức văn hóa - xã hội giải quyết các thủ tục hành chính: Thành lập thư viện đối với thư viện cộng đồng; sáp nhập, hợp nhất, chia tách thư viện đối với thư viện cộng đồng; thông báo chấm dứt hoạt động thư viện cộng đồng.

Chủ tịch UBND cấp xã được ủy quyền cho công chức văn hóa - xã hội giải quyết thủ tục hành chính: Đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật.

Mở rộng phân cấp, uỷ quyền trong giải quyết TTHC, đầu tư xây dựng

Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết

Thời hạn ủy quyền tối đa 36 tháng; hết thời hạn ủy quyền, nếu các căn cứ không thay đổi và việc ủy quyền đánh giá có hiệu quả, tiếp tục thực hiện ủy quyền.

Việc thu hồi hoặc thay đổi ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản và thông báo cho công chức được ủy quyền và các bên liên quan, công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, UBND cấp xã và trụ sở UBND cấp xã.

Trước đó, tờ trình của UBND TP nêu rõ, sau 3 năm thực hiện, việc ủy quyền đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết TTHC tại các phường, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện các TTHC; giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện để công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giải quyết công việc, giảm áp lực công việc và tăng thời gian giải quyết các công việc khác cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường.

Việc tiếp tục mở rộng ủy quyền của Chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã theo quy định tại Khoản 4, Khoản 6, Điều 14, Luật Thủ đô là yêu cầu khách quan, cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm của công chức cấp xã.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết