Kỳ họp thứ 4: Xây dựng cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu hợp lý
Một số nội dung đáng chú ý tại kỳ họp thứ 4 là Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự với việc kiện toàn một số chức danh cấp cao, xây dựng cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu hợp lý.
Quang cảnh họp báo thông tin về kỳ họp thứ 4. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Xem xét, thông qua 7 dự án Luật
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/10/2022. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 15/11/2022).
Ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng với tinh thần cải tiến, đổi mới, sự chuẩn bị tích cực, chủ động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nên thời gian kỳ họp lần này đã được rút ngắn còn 21 ngày làm việc, trong đó có 2 ngày thứ Bảy nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng (so với kỳ họp của những khóa Quốc hội trước thường có thời gian họp khoảng 1 tháng).
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến 7 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý).
Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam).
Quốc hội xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; xem xét, quyết định công tác nhân sự và xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác.
Miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải theo nguyện vọng cá nhân
Một trong những nội dung đáng chú ý tại kỳ họp là Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự với việc kiện toàn một số chức danh cấp cao.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do Quốc hội xem xét phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự thay thế, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay cũng như trong nhiệm kỳ khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội giao. Hình ảnh ông Nguyễn Văn Thể xuất hiện ở các mặt trận, trong đó có trả lời tại các phiên chất vấn của Quốc hội cũng rất trách nhiệm, sâu sát.
“Đến nay, theo nguyện vọng cá nhân và theo phân công của cấp có thẩm quyền, dự kiến tại Kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể," Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề xăng dầu thời gian qua gây nhiều bức xúc cho người dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn khẳng định đây là vấn đề thuộc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, trong đó có nguyên nhân do giá xăng dầu của thế giới biến động với biên độ lớn trong khi chu kỳ điều hành giá xăng dầu chưa phù hợp.
Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ hợp lý hơn, vừa đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp cũng như lợi ích của các thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu và đơn vị bán lẻ xăng dầu.
Về việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, ông Nguyễn Minh Sơn cho biết, tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống của người dân và tăng trưởng nền kinh tế. Đến nay, Chính phủ vẫn chưa có tờ trình báo cáo Quốc hội về nội dung này.
Khi Chính phủ có tờ trình, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiến hành xem xét thẩm tra, nếu đủ điều kiện sẽ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết công tác chuẩn bị cho dự án Luật đã được tiến hành từ sớm trên tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng.
Dự thảo Luật đã được công khai trên Cổng Thông tin của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến. Chính phủ đã tổ chức cho ý kiến, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Chính phủ đã hoàn thiện Tờ trình dự án Luật.
Trong quá trình triển khai, Chủ tịch Quốc hội đã không dưới 3 lần làm việc trực tiếp về các nội dung này để nghe và chỉ đạo về xây dựng dự án Luật Đất đai. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội ban hành kế hoạch về lấy ý kiến nhân dân sẽ được triển khai tháng 1/2023.
Các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhiều lần tổ chức hội thảo, tọa đàm. Các đoàn đại biểu Quốc hội chủ động lấy ý kiến đối với dự án Luật. Cơ quan chủ trì thẩm tra nhận được nhiều ý kiến từ các đoàn đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, hiệp hội. Trong quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo đã nỗ lực thể chế hóa tương đối đầy đủ Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương liên quan đến 8 cơ chế, chính sách để giải quyết hầu hết các hạn chế, bất cập được chỉ ra trong tổng kết Luật Đất đai 2013 về khiếu nại, khiếu kiện, công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, giá đất…
Trả lời về việc tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng với đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm; hỗ trợ thêm các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 với mức lương thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi đối với người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở...
Việc điều chỉnh này thực hiện từ ngày 1/7/2023, đồng thời, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ dự phòng và y tế cơ sở thực hiện từ ngày 1/1/2023.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trước đây, do các nguồn lực đều dành cho phòng, chống dịch COVID-19 nên chúng ta không có điều kiện tăng lương. Nhưng giờ đây, kinh tế đã khả quan nên bắt đầu tính đến việc tăng lương cơ sở trước. Tuy nhiên, việc tăng lương cơ sở còn phụ thuộc vào tình hình thu ngân sách, nguồn lực quốc gia cân đối giữa chi cho đầu tư phát triển và chi cho con người. Đây là vấn đề sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét kỹ lưỡng.
Theo TTXVN