A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi họp phụ huynh không còn là “nỗi sợ”...

Để buổi họp phụ huynh không chỉ là “báo cáo - phê bình - kiến nghị” mà trở thành một buổi gặp gỡ thực sự có ý nghĩa, cô Lê Thị Thu Nết, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A2, Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) đã "thiết kế" một mô hình mới trong việc tổ chức họp phụ huynh ở tiểu học.

“Thiết kế lại” buổi họp phụ huynh

Cô Nết chia sẻ, là giáo viên chủ nhiệm, cô từng nhiều lần băn khoăn mỗi khi đến kỳ họp phụ huynh. Những buổi họp vốn được mong đợi là cầu nối giữa nhà trường và gia đình lại thường diễn ra khá căng thẳng: Giáo viên nói nhiều, phụ huynh nghe nhưng đôi khi vẫn ra về với cảm giác mơ hồ.

Khi họp phụ huynh không còn là “nỗi sợ”...

Học sinh báo cáo kết quả học lỳ I bằng vở kịch "Táo quân lên chầu"

"Tôi tự hỏi, liệu mình có thể làm gì đó để buổi họp phụ huynh không chỉ còn là “báo cáo - phê bình - kiến nghị” mà trở thành một buổi gặp gỡ thực sự có ý nghĩa?", cô Nết kể.

Từ trăn trở đó, cô bắt đầu lên ý tưởng “thiết kế lại” buổi họp phụ huynh như một “Ngày hội kết nối”. Cô mong muốn khi bước ra khỏi lớp, mỗi phụ huynh sẽ cảm thấy mình hiểu con hơn, tin cô hơn và gắn bó với lớp học hơn.

Cô Nết cho rằng, buổi họp phụ huynh cần thông tin đầy đủ nhưng cũng phải gợi cảm xúc, tạo sự đồng hành. Thay vì những slide báo cáo dài dòng, cô sử dụng hình ảnh, video và chính giọng nói của học sinh để kể câu chuyện lớp học.

Khi họp phụ huynh không còn là “nỗi sợ”...

Cô Lê Thị Thu Nết cùng các em học sinh Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng

"Trước buổi họp phụ huynh, tôi chuẩn bị những đoạn clip ngắn do học sinh quay để gửi lời nhắn tới bố mẹ; các sản phẩm học tập, sổ tay cảm xúc, cây thông điệp tri ân do học sinh thực hiện. Không gian lớp học được “biến hóa” thành một góc trưng bày thân thiện, ấm cúng.

Ngay từ khâu đón tiếp, tôi muốn phụ huynh cảm thấy thân thiện và gần gũi. Những tấm thiệp nhỏ do chính học sinh viết tay được dán ngay cửa lớp: “Mẹ ơi, con có điều muốn kể”; “Bố ơi, hôm nay con là hướng dẫn viên…", cô Nết cho hay.

Lớp học được trang trí bằng tranh vẽ, sổ tay cảm xúc, sản phẩm học tập... tất cả là thế giới của các con. Không khí không còn nặng nề như những buổi họp thông thường mà trở thành không gian của sự sẻ chia và thấu hiểu.

Mỗi buổi họp đều có một chủ đề riêng. Có buổi, cô mời học sinh diễn tiểu phẩm nhỏ hoặc đóng vai "Táo quân" để báo cáo học tập, vừa hài hước, vừa xúc động. Những con số khi được kể lại bằng ánh mắt và nụ cười của con trẻ bỗng trở nên mềm mại và dễ chạm tới trái tim người lớn hơn bao giờ hết. Không ít phụ huynh đã rưng rưng khi xem video. Họ xúc động vì lần đầu tiên được “thấy con mình đang học tập” thay vì chỉ nghe báo cáo.

Để phụ huynh không chỉ lắng nghe mà còn đồng hành

Bên cạnh các hoạt động chính, cô Nết luôn dành thời gian cho các hoạt động tương tác với các phụ huynh như: Trò chơi “Bạn hiểu con mình đến đâu?” qua Mentimeter, Google Form; hoạt động “phụ huynh đóng vai học sinh”, để cha mẹ trải nghiệm những điều con đang học; thảo luận nhóm, tọa đàm về giáo dục giới tính, phương pháp nuôi dạy con tích cực...

Khi họp phụ huynh không còn là “nỗi sợ”...

Phụ huynh học sinh gắn lời yêu thương gửi tới con

Sau những buổi họp như thế, nhiều phụ huynh chủ động nhắn tin, trao đổi thêm hoặc đề xuất hỗ trợ các hoạt động của lớp. Có người tham gia làm khách mời cho "Lớp học nghề nghiệp", có người tình nguyện đồng hành trong ngày hội đọc sách. Buổi họp không còn khoảng cách giữa giáo viên và phụ huynh mà là một cộng đồng cùng vì sự phát triển của học sinh.

"Phần cuối buổi họp là cuộc trò chuyện mở. Phụ huynh chia sẻ những băn khoăn về việc học của con tại nhà còn tôi lắng nghe và đưa ra hướng phối hợp cụ thể. Tôi cũng mời phụ huynh ghi lại cam kết sẽ đồng hành cùng lớp, từ theo sát việc học đến việc sẵn sàng chia sẻ chuyên môn trong các dự án học tập", cô Nết hào hứng nói.

Sau buổi họp, hơn 90% phụ huynh đăng ký tham gia nhóm Zalo lớp với tinh thần chủ động hơn. Nhiều người đề xuất hỗ trợ lớp trong các hoạt động như “Ngày hội đọc sách”, “Lớp học nghề nghiệp”, “Góc cha mẹ kể chuyện”...

Một phụ huynh đã nói với cô rằng: “Tôi từng nghĩ họp phụ huynh là để nghe cô giáo báo cáo. Hôm nay, tôi cảm giác như được gặp lại chính con mình. Cảm ơn cô vì đã tạo ra một buổi họp đầy cảm xúc như vậy”.

Khi họp phụ huynh không còn là “nỗi sợ”...

Cô Lê Thị Thu Nết chụp ảnh cùng phụ huynh và học sinh

Để tổ chức một buổi họp phụ huynh theo mô hình này, công tác chuẩn bị tốn rất nhiều thời gian, từ kịch bản, video, đến việc dàn dựng, mời phụ huynh tương tác. Tài liệu ít, thời gian hạn hẹp, đôi khi còn phải “xoay xở” với lịch hành chính dày đặc nhưng mỗi ánh mắt xúc động của phụ huynh, mỗi nụ cười của học sinh, là lời nhắc để cô tiếp tục cố gắng.

"Từ một thay đổi nhỏ trong cách tổ chức buổi họp phụ huynh, tôi nhận thấy rằng, khi giáo viên thật sự mong muốn kết nối và phụ huynh cảm thấy được tôn trọng thì mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình sẽ trở nên vững chắc, có tính đồng hành hơn. Người được hưởng lợi nhiều nhất, không ai khác chính là học sinh", cô Nết đúc kết.

 

 

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết