A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HTX Du lịch ‘đánh thức’ tiềm năng kinh tế, góp phần xóa nghèo tại Yên Bái

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch Yên Bái trong quý I/2025 đã khẳng định sức hấp dẫn ngày càng tăng của các điểm đến văn hóa, sinh thái tại Yên Bái. Trong sự thành công đó có những đóng góp không nhỏ của các HTX du lịch, trở thành một trong những trụ cột kinh tế quan trọng giúp người dân ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Có lẽ, sẽ không khó để nhận ra, du lịch cộng đồng với mô hình homestay do các HTX làm chủ đang phát triển mạnh tại các bản làng Nghĩa Lộ như bản Đêu, bản Sà Rèn, Chao Hạ 1, Chao Hạ 2... Đây chính là một trong những thế mạnh của du lịch ở địa phương.

Từ điểm sáng Nghĩa Lộ

Theo đó, đưa du lịch trở thành thương hiệu, mục tiêu xây dựng Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch, các sản phẩm du lịch cộng đồng đã được chính quyền thị xã và các địa phương quan tâm sát sao, được đầu tư đạt tới tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP.

Đơn cử, với sự giúp đỡ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh, HTX Du lịch Mường Lò ra đời với mục tiêu hợp tác, đoàn kết, liên kết giữa các cơ sở cung ứng dịch vụ văn hóa, du lịch trên địa bàn thị xã trong hoạt động cung cấp, sản xuất, kinh doanh sản phẩm liên quan phục vụ du khách, giúp du lịch phát triển bền vững, tăng lợi ích, thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

-7576-1743816259.jpg

HTX Du lịch Mường Lò giúp du lịch phát triển bền vững, tăng lợi ích, thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Chị Lò Thị Xoan ở thôn Chao Hạ 2 là một trong những hộ làm giàu nhờ du lịch cộng đồng. Gia đình chị Xoan có đất ruộng nằm trong vùng giải tỏa xây dựng tuyến đường tránh quốc lộ 32 đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ. Nhận được số tiền đền bù đất vài trăm triệu đồng nhưng không còn đất để sản xuất, chị luôn canh cánh suy nghĩ là làm thế nào để duy trì cuộc sống lâu dài, bền vững cho 6 nhân khẩu.

Nhận thấy mô hình du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị đã mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng để sửa sang lại ngôi nhà sàn của gia đình với đầy đủ các tiện nghi và tham gia HTX Du lịch Mường Lò.

Đến nay, mỗi năm, gia đình chị có thu nhập trên 100 triệu đồng từ làm du lịch. Không chỉ có chị Xoan mà hầu hết các thành viên của HTX, trong đó có nhiều hộ từng thuộc diện hộ nghèo đã có thu nhập bình quân đạt 50 - 100 triệu đồng/năm. 

Là thành viên của HTX Du lịch Mường Lò từ năm 2019, như nhiều gia đình làm du lịch trong vùng, gia đình chị Hà Thị Chinh - chủ Homestay Cương Chinh ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An không chỉ chú trọng đến chất lượng, uy tín mà còn luôn quan tâm tạo sự riêng biệt trong mỗi dịch vụ, sản phẩm du lịch của gia đình.

"Gia đình làm du lịch từ năm 2010, song chỉ đơn thuần trên cơ sở những điều kiện gia đình có nên những năm đầu chưa được nhiều công ty du lịch, lữ hành và du khách biết đến. Được HTX và các phòng, ban chuyên môn quan tâm hướng dẫn, gia đình đã quy hoạch lại khuôn viên, xây dựng website, biên dịch cuốn cẩm nang giới thiệu về du lịch cộng đồng xã Nghĩa An sang tiếng Anh, liên kết các tuyến du lịch trong và ngoài thị xã… đảm bảo các tiêu chí của sản phẩm OCOP 4”, chị Chinh cho biết.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo mở rộng, đa dạng hóa các sản phẩm loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng. Trong đó, chú trọng phát triển loại hình thế mạnh là du lịch cộng đồng với hơn 40 mô hình homestay, tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Sơn A, trong đó đã có 2 sản phẩm du lịch cộng đồng xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh; xây dựng thêm 8 mô hình homestay mới ở 6 phường, xã.

Du lịch văn hóa chú trọng các lễ hội trong năm, nhất là các lễ hội diễn ra dịp Rằm tháng Giêng, Tết Xíp xí của người Thái và Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò. Thị xã chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại Khu Chuồn chuồn Nghĩa Lộ với nhiều dịch vụ mới như tắm khoáng nóng, xông hơi, tắm lá thuốc dân tộc Dao, tổ chức sự kiện ngoài trời…

Theo lãnh đạo UBND Nghĩa Lộ, mỗi năm thị xã đón và phục vụ khoảng gần 400.000 lượt khách du lịch, mang lại doanh thu từ dịch vụ du lịch trên 250 tỷ đồng.

Đến hình thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn

Những đóng góp thầm lặng của khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Yên Bái như ví dụ kể trên ở Nghĩa Lộ chỉ là một điểm sáng trong bức tranh chung của ngành du lịch tỉnh. Theo đó, trong quý I/2025, tổng lượt khách phục vụ ước đạt 406.034 lượt, tăng đáng kể 31,37% so với cùng kỳ năm trước. Số ngày khách phục vụ cũng tăng trưởng 37,02%, đạt 142.343 ngày. Điều này cho thấy du khách không chỉ đến Yên Bái nhiều hơn mà còn lưu trú dài hơn, mang lại nguồn thu quan trọng cho ngành du lịch địa phương. Đặc biệt, phân khúc du lịch theo tour chứng kiến sự tăng trưởng đột phá.

Lượt khách du lịch theo tour ước đạt 887 lượt, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước, và số ngày khách theo tour đạt 1.231 ngày, gấp 4,0 lần. Điều này cho thấy các sản phẩm du lịch có tổ chức của Yên Bái ngày càng được du khách ưa chuộng.

-3220-1743816259.jpg

Ngành du lịch Yên Bái đã có một quý đầu năm 2025 đầy khởi sắc với sự tăng trưởng ấn tượng về cả lượng khách và doanh thu.

Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành trong quý I/2025 ước đạt 921,8 tỷ đồng, tăng tới 54,27% so với cùng kỳ năm 2024. Mức tăng trưởng này một lần nữa khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của ngành du lịch trong việc đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch Yên Bái trong quý đầu năm 2025 là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, phải kể đến việc tỉnh tiếp tục đầu tư vào phát triển hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

Những năm gần đây, du lịch Yên Bái đang ngày càng phát triển, định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam và bắt đầu được biết đến trên thị trường du lịch thế giới. Yên Bái cũng hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: khám phá danh thắng hồ Thác Bà, Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; trải nghiệm thưởng trà Shan tuyết Suối Giàng; trải nghiệm suối khoáng nóng Trạm Tấu; khám phá khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ Resort; săn mây trên đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu; trải nghiệm Tú Lệ; dù lượn Khau Phạ...; tạo ra những tour, tuyến có thể níu chân du khách khi đặt chân đến mọi miền quê của Yên Bái.

Hiện nay hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Điển hình, huyện Văn Yên nỗ đẩy mạnh việc bản tồn văn hóa người Phù Lá ở xã Châu Quế Thượng; xây dựng thương hiệu du lịch từ Lễ tết rừng người Mông xã Nà Hẩu.

Hay như huyện Văn Chấn tạo được sức lan tỏa rất lớn với Lễ hội trà Shan tuyết - lễ hội đầu tiên của cả nước vinh danh trà tuyết cổ thụ gắn với văn hóa các dân tộc địa phương; huyện Lục Yên thực hiện tốt việc thu hút khách du lịch với các lễ hội truyền thống rất đặc sắc, như Lễ hội Pay Tái, Xo May, Cắc Kéng;...

Góp phần xóa đói giảm nghèo

Chính nhờ tập trung phát triển KTTT, HTX dựa trên những thế mạnh địa phương đã góp phần giúp đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng. Năm 2024, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) tiếp tục đạt được kết quả phát triển khả quan, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức KTTT, hợp tác xã (HTX) tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Bên cạnh sự phát triển của các HTX Du lịch, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hình thành nhiều mô hình HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như: HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Thành: Sản xuất sản phẩm măng Bát Độ xuất khẩu; HTX dịch vụ tổng hợp Hồng Ca: Sản xuất các sản phẩm từ quế, măng Bát Độ; HTX 6/12 Đào Thịnh, HTX Quế hồi Việt Nam, HTX NLN tổng hợp Công Tâm: Sản xuất các sản phẩm từ quế và chưng cất tinh dầu quế xuất khẩu; HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ, HTX chăn nuôi DGP Yên Bái: Chăn nuôi gà; HTX nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà, HTX nuôi trồng thủy sản Hoàng Kim Xanh: Chăn nuôi cá trên hồ Thác Bà và chế biến các sản phẩm từ cá; HTX dịch vụ tổng hợp xã Tân Nguyên, HTX khai thác đá Tân Minh: Khai thác đá; HTX dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, HTX Vạn Hoa, HTX chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng: Sản xuất chè; HTX dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi: Chế biến săm lốp cũ thành sản phẩm chất đốt dầu FO-R và một số sản phẩm chất đốt khác; HTX Suối Giàng, HTX du lịch Cường Hải: Sản xuất chè và dịch vụ du lịch cộng đồng,...

Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khu vực KTTT, HTX cùng các thành phần kinh tế khác đã góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2024, qua rà soát số hộ nghèo toàn tỉnh là 12.575 hộ, tương ứng 5,68%; giảm 7.647 hộ, tương ứng giảm 3,48% so với năm 2023 (đạt 105,5% so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 161-KH/TU); Số hộ cận nghèo là 6.612 hộ, tương ứng 2,99%; giảm 2.046 hộ, tương ứng giảm 0,93% so với năm 2023 (đạt 116,3% so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 161-KH/TU).

Tỉnh Yên Bái phấn đấu năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn 4,18%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,69%; tỷ lệ hộ nghèo trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số năm 2025 giảm 2,57% so với năm 2024. Duy trì 19 xã, phường không có hộ nghèo đã hoàn thành năm 2024. Xây dựng thêm 6 xã, phường, thị trấn không có hộ nghèo để cuối năm 2025 Yên Bái có 25 xã, phường, thị trấn (chiếm tỷ lệ 14,88% tổng số xã, phường, thị trấn toàn tỉnh).

Ngọc Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết