A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội sẽ được hạ lãi suất?

Nếu đề xuất của Ngân hàng Nhà nước được thông qua, người mua nhà thuộc gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng sẽ được vay với mức lãi suất thấp hơn 3% mức vay thông thường, thời hạn vay ưu đãi trong vòng 5 năm.

Tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, diễn ra tại Hà Nội sáng 23/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ đề xuất thay đổi mức lãi suất cho vay đối với người mua nhà thuộc gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng.

-8200-1721723702.jpg

Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ đề xuất thay đổi mức lãi suất cho vay đối với người mua nhà thuộc gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, sẽ giảm 3% so với mức lãi suất vay thông thường thay vì chỉ giảm 2% như quy định hiện tại. Ngân hàng Nhà nước đề xuất thời gian điều chỉnh lãi suất sẽ thay đổi 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần, thời hạn vay ưu đãi kéo dài từ 3 năm lên thành 5 năm và trong 5 năm tiếp theo vẫn tiếp tục được giảm lãi suất tùy thuộc vào điều kiện của nền kinh tế thời điểm đó.

Những đề xuất mới trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay, tránh tình trạng lãi suất bị đẩy cao khi hết thời gian ưu tiên, gây tâm lý lo lắng cho người mua nhà.

Bên cạnh đó, ông Đào Minh Tú cho biết, ngoài 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đang tham gia gói tín dụng 120 nghìn tỷ, còn 4 ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng muốn tham gia gói này với quy mô vốn là 5 nghìn tỷ đồng/ngân hàng. Như vậy sẽ có thêm 20 nghìn tỷ đồng tham gia vào gói cho vay ưu đãi này.

"Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại và tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tham gia hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, làm sao hài hòa với các chính sách hiện tại", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Về tình hình thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội, trước đó, tại báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng cho biết các ngân hàng đã giải ngân được 1.234 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và 32 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.

Cụ thể, ngân hàng Agribank đã giải ngân 531 tỷ đồng, Vietinbank đã giải ngân 306 tỷ đồng, BIDV đã giải ngân 134 tỷ đồng, Vietcombank đã giải ngân 2 tỷ đồng, TPbank đã giải ngân 170 tỷ đồng.

Đến nay mới có 32/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia với 73 dự án. Trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP. HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...

Theo báo cáo mới nhất từ Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs IRE), từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành 75 dự án nhà ở xã hội với quy mô 39.884 căn, tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024 nhưng mới chỉ đạt 9,3% kế hoạch 2021 - 2025.

Giao dịch phân khúc nhà ở xã hội trong 6 tháng đầu năm đã được cải thiện nhưng không đáng kể, tỷ lệ hấp thụ thấp đạt khoảng 40% với hơn 800 giao dịch thành công. Giao dịch chủ yếu vẫn đến từ các tỉnh thành phát triển gắn liền với phát triển công nghiệp.

Bàn về phân khúc này, bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng VARs IRE cho biết: "Nhu cầu nhà ở xã hội vốn đã nóng lại càng trở lên cấp thiết khi thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ, gây thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong bối cảnh giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao, việc đẩy mạnh phát triển phân khúc này được coi là "chìa khóa quan trọng nhất" giúp khơi thông nguồn cung nhà ở giá bình dân".

Dữ liệu nghiên cứu của VARs IRE cũng cho thấy, vẫn tồn tại tình trạng một số dự án nhà ở xã hội xây xong nhưng vướng mắc không bán được, khiến nhiều nhu cầu không được "khớp lệnh". Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn khiến cả chủ đầu tư và người dân đều thiệt hại. Chính phủ, các cơ quan ban ngành cần có biện pháp hỗ trợ tích cực hơn, trực tiếp tới từng dự án cụ thể để có thể giải quyết một cách triệt để vấn đề này.

Đỗ Kiều


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết