Điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ
Nhiều dự án giao thông trọng điểm, chỉnh trang đô thị chậm tiến độ kéo dài gây khó khăn trong việc đi lại của người dân và chưa phát huy được hiệu quả đầu tư dù đã gia hạn tiến độ nhiều lần. Chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công lập kế hoạch thi công chi tiết cho từng hạng mục triển khai trước trong năm 2022 và sẽ điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu theo đơn giá để đẩy nhanh tiến độ.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh
Gia hạn nhiều lần
Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – tiểu dự án Thừa Thiên Huế đầu tư 52 tiểu dự án trên địa bàn 19 phường thuộc địa phận thành phố và 1 tiểu dự án thuộc địa phận 2 xã Phú Sơn, Dương Hòa thị xã Hương Thủy. Dự án ảnh hưởng đến 2.972 hộ gia đình/tổ chức, trong đó 2.140 hộ ảnh hưởng về đất và 832 hộ ảnh hưởng về tài sản.
Tại gói thầu số 24 gồm xây dựng hệ thống thoát nước vỉa hè 4 phường nội thành; nạo vét và kè hồ kinh thành; chỉnh trang và xây dựng dọc bờ sông Đông Ba, với giá trị hợp đồng hơn 204 tỷ đồng do Công ty CP xây dựng và Thương mại 299 thi công. Đến nay, nhiều tuyến giao thông, nạo vét và kè hồ trong kinh thành vẫn đang thi công dang dở, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Theo Ban QLDA Chương trình phát triển các đô thị loại II, ngoài việc chậm trễ thi công do sự chủ quan thiếu quyết liệt của nhà thầu, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa đáp ứng kịp tiến độ thi công công trình làm ảnh hưởng trực tiếp việc thi công và ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn được giao trong năm 2022.
Đơn cử gói thầu số 27 đường Bùi Thị Xuân và đường Huyền Trân Công Chúa được khởi công tháng 9/2020, hoàn thành tháng 8/2023. Tuy nhiên, đến nay đối với đường Huyền Trân Công Chúa mới được bàn giao mặt bằng sạch đoạn từ cầu Gò Bối đến Quốc lộ 49 dài 800m/3.100m. Đường Bùi Thị Xuân mới được bàn giao mặt bằng sạch đoạn từ cầu Long Thọ đến Trạm Y tế Nhà máy xi măng Long Thọ dài 150m/3.100m...
Trong khi đó, tại dự án đường chợ Mai - Tân Mỹ, do Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh làm chủ đầu tư, nhiều gói thầu đến nay vẫn thi công dang dở dù đã được gia hạn tiến độ và chủ đầu tư đã có văn bản cảnh báo nhiều lần. Hay gói thầu số 11 gồm toàn bộ phần xây lắp tại KM0 +00 đến Km2+204,07 do Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm thi công, khởi công tháng 8/2018 (thời gian thực hiện hợp đồng trong 3 năm), dù đã được gia hạn tiến độ 3 lần nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Việc kéo dài thời gian gia hạn hợp đồng gây bất lợi cho chủ đầu tư trong việc quản lý thực hiện hợp đồng cũng như không đủ cơ sở pháp lý để giải ngân cho nhà thầu đối với phần công việc đã thực hiện trên công trường, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án.
Đẩy nhanh tiến độ
Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA Chương trình phát triển đô thị loại II cho rằng, dự án triển khai trên địa bàn với khối lượng GPMB rộng lớn, ảnh hưởng đến 19/36 phường thuộc TP. Huế, số hộ ảnh hưởng là 2.972 hộ gia đình/tổ chức. Công tác xác minh nguồn gốc đất tại UBND các phường, thẩm định nguồn gốc đất tại Phòng TN&MT thành phố còn chậm nên công tác GPMB còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Ban QLDA đã đề xuất phương án thành lập tổ công tác thực hiện GPMB cho dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, đảm bảo tiến độ thực hiện của dự án và đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Ông Đặng Quang Ngọc, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh đánh giá, hiện nay đối với dự án đường chợ Mai - Tân Mỹ nhiều gói thầu đang triển khai chậm, tiến độ kéo dài khối lượng thực hiện còn nhiều so với giá trị hợp đồng còn lại. Nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do sự chủ quan của nhà thầu thi công, thiếu quyết liệt triển khai thi công trong một thời gian dài, đặc biệt là gói thầu số 14 nên ảnh hưởng đến các nội dung công việc khác của gói thầu do nhà thầu này thi công và các gói thầu khác. Ngoài ra, sự biến động của giá cả vật liệu, vật tư - tuy có ảnh hưởng nhưng không phải quá lớn, do các nhà thầu đều được tạm ứng đến 50% giá trị hợp đồng - nên ảnh hưởng tiến độ chung của công trình.
Chủ đầu tư đã yêu cầu các đơn vị thi công cam kết tăng cường nhân lực, vật lực, thiết bị và bố trí thi công ban đêm để sớm hoàn thành cơ bản công trình trong năm 2022 theo đúng hợp đồng. Trong đó, ưu tiên các hạng mục, công việc ảnh hưởng đến đường găng tiến độ của các gói thầu, như đắp đất gia tải các vị trí chờ lún, các hệ thống cống thoát nước địa hình băng ngang đường.
Ban QLDA đã điều chỉnh và thành lập ban điều hành dự án và tăng thêm các tư vấn giám sát bám sát hiện trường kể cả ngày và đêm theo tiến độ thi công của các nhà thầu nhằm kiểm tra, nghiệm thu ngay công việc, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong trường hợp nhà thầu thi công không đúng tiến độ hợp đồng, làm mất nguồn vốn bố trí cho dự án thì Ban QLDA sẽ xử phạt hợp đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư đã có văn bản cảnh báo chậm tiến độ, nếu đơn vị thi công không nỗ lực tổ chức thi công Ban QLDA sẽ áp dụng biện pháp điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu theo đơn giá hiện nay để đẩy nhanh tiến độ công trình.
Hiện nay Ban QLDA Chương trình phát triển đô thị loại II đang quản lý và triển khai thi công 56 công trình xây dựng trên địa bàn TP. Huế. Trong đó Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) gồm 51 tiểu dự án và Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2, dự án thành phần Thừa Thiên Huế gồm 5 tiểu dự án. Tính đến nay, có 7 công trình đã được GPMB (kè Như Ý, hồ Phong Trạch, Cây Mưng, Tiền Bảo, bến Voi Ré – Hổ Quyền, bến Thanh Tiên, bến Than) và 18 công trình không GPMB (16 công trình thuộc hợp phần sáng kiến do cộng đồng khởi xướng, kè An Cựu và đường xuống bến số 5 Lê Lợi).
Bài, ảnh: Hà Nguyên