A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về nơi HTX 'xắn tay' cùng chính quyền làm nông thôn mới

Hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nhiều địa phương ở Bạc Liêu đã “thay da, đổi thịt”. Người dân đã nỗ lực cùng chính quyền thay đổi bộ mặt nông thôn, trong đó thay đổi nhiều nhất phải kể tới việc tạo sinh kế cho người dân thông qua các mô hình KTTT, HTX.

Xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) là xã vùng sâu vùng xa vào hạng nhất nhì của tỉnh Bạc Liêu. Hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế xã hội nơi đây dường như đã thay đổi.

HTX đồng hành cùng chính quyền xây dựng NTM

Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Ba Đình được thành lập tháng 11 năm 2018, tại ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân. Hiện HTX có 100 thành viên tham gia, với số vốn điều lệ gần 120 triệu đồng. HTX tổ chức thực hiện kinh doanh trên các lĩnh vực như cung ứng giống vật nuôi, phân bón, chế phẩm sinh học, sản xuất nuôi trồng thủy sản, bao tiêu sản phẩm (lúa - tôm), chế biến khô, chả cá… với mục đích phục vụ nhu cầu của thành viên và bà con trong vùng, tạo sự ổn định, hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, giảm chi phí, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập của thành viên.

-6795-1664338158.jpg

Mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản, bao tiêu sản phẩm (lúa - tôm) ở Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Ba Đình. Ảnh Int

Theo vị đại diện lãnh đạo HTX, đối với phong trào hoạt động ở địa phương, HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình còn phối hợp với cấp ủy- chính quyền tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; góp phần cùng với xã Vĩnh Lộc A không ngừng nâng chất lượng hoạt động của HTX và xây dựng đạt tiêu chí số 13 về xây dựng nông thôn mới.

Chẳng hạn, năm 2021 trước tình hình dịch bệnh Covid -19 ngày càng diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống thành viên nói riêng và bà con trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A nói chung HTX đã vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các công ty hỗ trợ 250 kg gạo cho xã viên và 750kg gạo cho bà con trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ 30kg tôm càng xanh cho Huyện đoàn Hồng Dân làm thực phẩm cung cấp cho các chốt kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn Huyện.

“Định hướng 80% thành viên HTX thực hiện mô hình tôm – lúa với 2 vụ tôm và 01 vụ lúa ổn định. Phấn đấu cung ứng 100% sản phẩm đầu vào như con giống và vật tư các loại phục vụ sản xuất cho thành viên. Tạo đầu ra cho 60% sản phẩm thành viên làm ra và xây dựng từ 1 đến 2 chuỗi liên kết sản xuất. Sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm càng xanh, tôm sú và lúa theo quy trình an toàn. Phấn đấu tăng nguồn vốn góp của thành viên lên 300 triệu đồng.” Vị đại diện lãnh đạo HTX nói.

Ở một vùng quê khác - xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long. Địa phương này được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2019, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội của Vĩnh Phú Tây có bước phát triển rõ nét, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Theo thống kê năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 75,6 triệu đồng/ năm.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy về cải tạo vườn tạp để trồng rau màu, cây ăn trái có hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho người dân, xã đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích sản xuất không hiệu quả sang trồng cây ăn trái như: mít, ổi, dừa, mãng cầu… Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp trong khu vực KTTT; hình thành các HTX, tổ liên kết, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, vận động người dân học nghề, tạo việc làm; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Để phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Phú Tây tập trung nhân rộng mô hình tôm - lúa phát triển bền vững với 1.990ha. Bên cạnh đó, vận động Nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong thực hiện các mô hình thâm canh như: lúa - tôm - cua, lúa - cá - màu, lúa - tôm càng xanh...

Phát huy vai trò của KTTT

Không chỉ riêng hai địa phương kể trên, ở Bạc Liêu, hầu như địa phương nào cũng đang thi đua đẩy mạnh phong trào nông thôn mới. Từ đó, tạo động lực để khu vực KTTT, HTX phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Cũng nhờ các phong trào NTM mà hơn 10 năm qua, các HTX nông nghiệp đã hình thành sản xuất cho chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất hiệu quả và phát triển bền vững. HTX đã hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua việc cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên. Từ đó, thu nhập của người lao động, thành viên, hội viên được cải thiện, góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đánh giá, những đóng góp của kinh tế tập thể cho sự phát triển của tỉnh Bạc Liêu rõ nét hơn. Nhất là vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Người dân tin tưởng hơn vào đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể…

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vai trò của HTX được thể hiện nổi bật, nhất là các HTX nông nghiệp. Hoạt động của các HTX còn góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các HTX đã cùng với chính quyền xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương.

Đến nay, tỉnh Bạc Liêu có 188 HTX (tăng 132 HTX so với thời điểm cuối năm 2001). Số thành viên HTX là trên 24.000 thành viên, tăng hơn 15.000 thành viên so với thời điểm cuối tháng 12/2001. Tổng nguồn vốn và tài sản phục vụ hoạt động của các HTX là hơn 1.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 520 tổ hợp tác, thu hút hơn 12.000 thành viên tham gia. Từ khi Luật HTX năm 2012 được ban hành, số lượng các HTX hoạt động hiệu quả tăng lên rõ rệt, chiếm khoảng 55% đối với các HTX nông nghiệp, khoảng từ 50% - 83% với các HTX phi nông nghiệp.

Thời gian tới, Bạc Liêu sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh HTX và các tổ chức chính trị - xã hội liên quan đến kinh tế tập thể. Gắn chặt khu vực kinh tế này với quá trình thực hiện NTM của tỉnh.

Ngô Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết