A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủy sản Nghệ An trước yêu cầu chuyển đổi số

Quản lý Nhà nước về thủy sản bao gồm các lĩnh vực chính là khai thác, nuôi trồng và bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, để phù hợp với yêu cầu hội nhập, ngành Thủy sản phải tự đổi mới, trong đó có chuyển đổi số để giám sát, quản lý.

Sự cần thiết

Có dịp đi theo chân các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu của ngành Thủy sản trên địa bàn Nghệ An, chúng tôi nhận thấy, so với lĩnh vực khác, lĩnh vực thủy sản có đặc thù xuất phát điểm hạ tầng kỹ thuật khá thấp và lạc hậu. Chính vì thế, đặt ra yêu cầu chuyển đổi số đối với lĩnh vực này gần như là cuộc cách mạng và mục tiêu quá lớn. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu quản lý hoạt động khai thác và đánh bắt theo quy định của Luật Thuỷ sản và các quy định về chống đánh bắt trái phép IUU thì nghề cá muốn hay không, phải thích nghi để phát triển.

Theo quy định, các tàu cá đánh xa bờ, có chiều dài mạn tàu từ 15m trở lên, ngoài việc phải đăng ký, đăng kiểm mỗi năm 1 lần thì mỗi lần ra, vào cảng, bến đều phải làm thủ tục khai báo theo nhật ký. Hiện nay, do quy trình còn lạc hậu, nên thủ tục ra, vào bến đang kê khai bằng thủ công, theo đó, các chủ tàu đưa sổ nhật ký đánh bắt và danh bạ thuyền viên đến trạm kiểm soát cửa lạch xuất trình với cơ quan chức năng, kê khai nhật trình vào để cán bộ ghi vào sổ theo dõi theo hình thức thủ công…

Trong lần kiểm tra mới đây của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT về chống đánh bắt IUU tại Nghệ An, trong khi đoàn kiểm tra nhờ hệ thống giám sát quốc gia nên nắm khá chắc về ngày, giờ, biển số tàu vi phạm ngắt kết nối thì tại hệ thống lưu trữ tài liệu của Ban Quản lý cảng tìm mãi mới ra nhưng cập nhật chưa đầy đủ. Chính vì thế, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh khảo sát để có kế hoạch đầu tư nâng cấp phần mềm hạ tầng, kết nối cơ sở dữ liệu của cảng với hệ thống quốc gia để dễ dàng quản lý, giám sát và tạo điều kiện thủ tục cho ngư dân mỗi khi ra, vào bến. Nếu kinh phí quá lớn, UBND tỉnh đề xuất để Bộ xem xét hỗ trợ kinh phí…

Tương tự, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, để giảm thiểu rủi ro, gần đây, nhiều cơ sở giống trên địa bàn tỉnh ta đã đầu tư cơ sở hạ tầng khá hiện đại, từng ao bể ương giống đều lắp đặt hệ thống lọc, xử lý nước, cảm biến nhiệt độ từng ao, bể nuôi kết nối về một trung tâm điều hành chung… Nhờ vậy, mỗi khi nhiệt độ trong ao, đầm hoặc môi trường nước có thay đổi bất thường, hệ thống thiết bị quan trắc, cảm ứng báo về điện thoại thì chủ mô hình hoặc người quản lý từ xa cũng có thể xử lý được.

Đối với các hộ nuôi, hiện nay một số vùng và chủ đầm lớn, khi mua con giống hay thức ăn, thuốc đều chọn cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, sau khi mua giống phải đồng hành hướng dẫn với chủ đầm. Tuy vậy, do phần lớn hạ tầng ao nuôi, nhất là nuôi tôm chưa được đầu tư bài bản, người nuôi là “tay ngang” nên có tâm lý ham mua phải giống rẻ, không rõ nguồn gốc. Điều đáng tiếc là nhiều chủ đầm tôm, đầm ngao khi được chủ cơ sở cung ứng giống khuyến mại thêm con giống thì thả quá dày dẫn đến "lợi bất cập hại" là mật độ quá dày và gây ô nhiễm và dịch bệnh.

Để chuyển đổi số hiệu quả

Tại buổi tọa đàm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Chi cục Thủy sản Nghệ An tổ chức về chủ đề chuyển đổi số trên lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, có nhiều mô hình, cách làm hay đã được nêu lên và là gợi ý để thực hiện. Cụ thể, ngoài một số kinh nghiệm từ thực tiễn ứng dụng công nghệ thông minh vào giám sát nhiệt độ ao đầm tại một số chủ mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Nghệ An, người nuôi thủy sản trên địa bàn đã được tiếp cận với các phần mềm, thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh vào xử lý nguồn nước, giám sát quá trình nuôi do các doanh nghiệp, tập đoàn lớn phía Nam ra giới thiệu.

Theo ông Trần Trung Thành - Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Cuộc hội thảo mới bước khởi đầu nhưng đã gợi mở để định hình và kế hoạch chuyển đổi số trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong nay mai.

Trong khi đó, ông Cao Xuân Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh chia sẻ: Các mô hình, thiết bị được giới thiệu tại hội thảo đã chứng minh các địa phương rất chủ động trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, mới chỉ là ứng dụng nền tảng công nghệ thông minh vào nuôi trồng thủy sản, là một trong những nội dung, công đoạn ban đầu của chuyển đổi số. Chuyển đổi số trên lĩnh vực thủy sản đúng nghĩa phải đầu tư đồng bộ, trong đó, từ hạ tầng cho đến trang thiết bị, phần mềm, bộ máy quản lý phải thay đổi. Ở đó, các cơ sở, từ sản xuất thức ăn, thuốc cho đến con giống đều phải chuẩn hóa thành những mã QR rồi tích hợp vào một cơ sở dữ liệu chung để tùy theo cấp độ, nhà quản lý, người nuôi và khách hàng truy nhập để kiểm tra giám sát; khi xảy ra sự cố có thể tự kiểm tra xem mình nuôi, thả đúng quy trình chưa? Cách xử lý cơ bản và ban đầu như thế nào trước khi hỏi nhà chuyên môn…

Một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho biết: Chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản đúng nghĩa phải đầu tư đồng bộ, từ khâu thức ăn, cấp giống phải chuẩn hóa, theo đó, từng lô, bể giống được mã hóa theo từng bể, thời gian từ khi thả ương con giống cho đến khi xuất xưởng, kèm theo đó là kích thước, size chọn giống…

Tương tự, cơ sở sản xuất thức ăn cũng phải được niêm yết, công khai vào hệ thống để người nuôi chỉ cần quét mã QR là ra thông tin truy xuất. Thông tin về nuôi tại các bể, ao, đầm cũng được đưa vào dữ liệu để khách hàng, nhất là nhà nhập khẩu có thể truy xuất ngược để biết sản phẩm được nuôi ở đâu và khoảng thời gian nào sẽ yên tâm hơn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các tỉnh phía Nam với đầu tàu là các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lớn ở Cần Thơ, Cà Mau hay Bến Tre khá nhanh nhạy nên việc ứng dụng chuyển đổi số vào nuôi trồng, đánh bắt rất cao. Hiện một số chủ đầm hay nhà vườn sau khi làm chủ quy trình ứng dụng chuyển đổi số đã kết hợp với một số nhà đối tác, nhà vườn khác mở rộng cung cấp giống, mở chuỗi cửa hàng riêng; đồng thời, từng bước tiến tới cung cấp dịch vụ, thiết bị ứng dụng các chủ đầm khác.

Trên lĩnh vực khai thác thủy sản, theo ông Trần Xuân Nhuệ - Trưởng phòng Quản lý khai thác, Chi cục Thủy sản cho biết: Với điều kiện nghề cá hiện nay thì hình thức ghi nhật ký đánh bắt bằng điện tử thay thế cho sổ bằng giấy là hợp lý nhất. Mỗi tàu cá chỉ cần 1 điện thoại thông minh để ngư dân nhập dữ liệu vào phần mềm và gửi về cảng cá và trạm bờ quản lý, giám sát. Trước đây, thiết bị giám sát hành trình Movimart có tính năng kết nối tàu cá với Trạm theo dõi trên bờ và chỉ cần phần mềm kết nối với điện thoại thông minh của ngư dân là được. Tuy nhiên, hiện nay các thiết bị hành trình VMS mới lắp đặt cho tàu chưa có nên phải nghiên cứu để cập nhật lại.

Ông Trần Như Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An chia sẻ: theo Đề án chuyển đổi số, hiện Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Thủy sản đã có phần mềm quản lý, giám sát nuôi trồng thủy sản và đánh bắt, nhất là hệ thống giám sát hành trình VMS trên tàu cá. Tại Nghệ An, do điều kiện ngân sách hạn hẹp nên kế hoạch ứng dụng chuyển đổi số của thủy sản đang nằm trong kế hoạch chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp, nhưng về lâu dài nếu có nguồn lực sẽ ban hành Kế hoạch đề án riêng để dễ đôn đốc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan