A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiên phong trong chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm OCOP

Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển sản phẩm OCOP để tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội bền vững. Trong đó, tỉnh và các địa phương đặc biệt coi trọng vai trò tập hợp và cầu nối của các HTX để liên kết các hộ dân sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng cao, có đầu ra tiêu thụ ổn định.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, với nhiều tiềm năng, lợi thế, Lai Châu có điều kiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, có thương hiệu và người tiêu dùng ưa chuộng. Phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là “cơ hội vàng” tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Biến thách thức thành “cơ hội vàng”

Trên cơ sở các sản phẩm chủ lực của địa phương, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình OCOP nhằm tạo sức bật cho nông sản truyền thống trên địa bàn khẳng định vị thế. Chương trình OCOP làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh truyền thống và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, năng suất và hiệu quả cây trồng. Từ đó, tạo dựng niềm tin tuyệt đối với người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

-5488-1666019351.jpg

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Lai Châu có điều kiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, có thương hiệu và người tiêu dùng ưa chuộng.

“Chương trình OCOP thực sự là “làn gió mới” để các làng nghề, HTX, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác tiềm năng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh được khách hàng trong nước tin tưởng tiêu thụ. Từ đó, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao được gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, HTX, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn”, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu chia sẻ.

Theo đó, xác định OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện. Thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ sẵn có ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Huy động các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện chương trình. Chính quyền các cấp trong tỉnh định hướng, quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa, dịch vụ; quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các khâu, gồm: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, Chương trình OCOP của tỉnh được triển khai đồng bộ, tập trung vào các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có nguồn gốc nguyên liệu tại địa phương.

Đến đầu năm 2022, UBND tỉnh đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 108 sản phẩm OCOP, trong đó, 2 sản phẩm đủ điều kiện trình Hội đồng Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao; 10 sản phẩm 4 sao và 96 sản phẩm 3 sao.

Mới đây, ngày 14/7/2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP tỉnh Lai Châu đợt 1 năm 2022 đã tiếp nhận 20 hồ sơ sản phẩm của 11 chủ thể (3 HTX, 2 doanh nghiệp và 6 hộ kinh doanh). Trong đó, có 18 sản phẩm từ nhóm ngành thực phẩm; 2 sản phẩm từ nhóm ngành đồ uống. Kết quả, có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 17 sản phẩm còn lại đều đạt sản phẩm 3 sao.

“Chương trình OCOP là “cơ hội vàng” cho nông sản địa phương vươn xa. Do vậy, từ bảo vệ, chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói đến bảo quản sản phẩm OCOP đều được các công ty, doanh nghiệp, HTX kiểm soát chặt chẽ, có mã vạch để khách hàng truy xuất nguồn gốc. OCOP là thương hiệu quý để tập thể, cá nhân khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản với khách hàng trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh”, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ đánh giá.

"Mắt xích" vững chắc của HTX

Có thể nhận thấy, trong công tác xây dựng sản phẩm OCOP thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lai Châu, khu vực kinh tế hợp tác, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác chiếm tỷ lệ chủ thể đáng kể. Nhiều HTX đã vươn lên trở thành điển hình trong sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật cao, tăng giá trị gia tăng, tạo sức lan tỏa trong phong trào xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP.

Nhờ được sự khuyến khích, hỗ trợ của các ban ngành địa phương, một số HTX đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP và được gắn sao cấp tỉnh. Điển hình như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư (bản Km 2, xã Bình Lư, huyện Tam Đường).

-3460-1666019351.jpg

Các HTX chiếm tỷ lệ quan trọng trong số lượng các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP tại tỉnh Lai Châu (Ảnh: TL)

Theo đó, HTX Bình Lư liên kết với 60 hộ dân trồng 50ha dong riềng với sản lượng hơn 1.000 tấn củ/năm để chế biến và tiêu thụ sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

HTX giám sát bà con ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật an toàn và thu hoạch đúng lịch thời vụ. Nhờ vùng nguyên liệu bảo đảm, thương hiệu miến dong OCOP 3 sao của HTX thu hút được khách hàng trong nước đặt mua với sản lượng lớn. Năm 2021, HTX bán ra thị trường hơn 80 tấn miến dong, thu lãi trên 1 tỷ đồng (tăng lợi nhuận 20% so với cùng kỳ năm trước).

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc HTX Bình Lư cho biết: Hằng năm, HTX đều nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về vốn vay, các thủ tục hành chính, mở rộng vùng nguyên liệu từ vài chục ha ban đầu lên hằng trăm ha, sản xuất được từ 250 - 300 tấn miến dong/năm.

“Việc liên kết sản xuất với các hộ dân đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm miến dong Bình Lư. HTX đặt mục tiêu phấn đấu nâng cấp miến dong Bình Lư thành sản phẩm OCOP 5 sao; đưa lên sàn thương mại điện tử và có mặt tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu”, ông Ánh chia sẻ.

Lãnh đạo UBND huyện Tam Đường cho biết, các HTX trên địa bàn đã quy tụ được gần 500 thành viên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4 -5 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, các HTX đã xây dựng được 10 sản phẩm đạt OCOP, đưa được nhiều sản phẩm có giá trị ra thị trường như: miến dong, chè, cá nước lạnh, gạo cao sản... Từ kinh tế HTX, nhiều nông dân trên địa bàn không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ các ngành, nghề sản xuất của gia đình. Từ đó đóng góp tích cực thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Lai Châu có 255 tổ hợp tác, tạo việc làm cho 2.010 thành viên và lao động, doanh thu bình quân ước đạt 270 triệu đồng/tổ hợp tác/năm, thu nhập bình quân của thành viên ước đạt 3,65 triệu đồng/người/tháng. Toàn tỉnh có 348 HTX, tổng vốn điều lệ hơn 826 tỷ đồng;  vốn điều lệ bình quân 1 HTX: 3,1 tỷ đồng. Các HTX tạo việc làm cho gần 6.000 người (gồm 3.042 thành viên và 2.851 lao động). Doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 1.071 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 4,16 triệu đồng/người/tháng.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Liên minh HTX tỉnh  đặt mục tiêu hàng năm tư vấn, vận động thành lập mới từ 25 HTX và 20 tổ hợp tác trở lên, thành lập mới 1-2 liêp hiệp HTX, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có trên 70% số xã, phường, thị trấn có HTX. Thu hút trên 500 lao động và 300 thành viên tham gia HTX và 200 thành viên tham gia tổ hợp tác. Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt trên 70%, số HTX ngừng hoạt động dưới 15% trong tổng số HTX. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 70 triệu đồng/người/năm, của tổ hợp tác đạt trên 65 triệu đồng/người/năm…

Lan Phương


Tác giả: Biến thách thức thành “cơ hội vàng”
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan