A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông thôn đổi thay từ thay đổi tư duy sản xuất

Tuy có xuất phát điểm thấp, nhưng với sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và nhân dân, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã “về đích” với nhiều chỉ tiêu cao. Và trong thành công chung đó có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, đặc biệt là từ tác động lan tỏa tư duy sản xuất mới tới người dân địa phương.

Ngày 28/10 mới đây, huyện Lâm Hà đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Ông Hoàng Sỹ Bích, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn huyện đã thay đổi rõ nét.

Theo đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ sở vật chất hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa, xã hội được đầu tư đồng bộ khang trang, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/năm, cao gấp 2,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều mới giảm còn 4,73%.

-4270-1667235656.png

Huyện Lâm Hà chú trọng việc đổi mới tư duy sản xuất và tổ chức sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Int)

Đặc biệt, trong 10 năm qua, huyện Lâm Hà đã huy động được trên 5.300 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với diện tích trên 40.000ha cà phê, trên 3.600ha trồng dâu tằm, và các cây trồng có giá trị như chè, mắc ca, rau hoa công nghệ cao, hình thành được 16 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, với 17 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)...

Thời gian tới, huyện Lâm Hà tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các nghị quyết, đề án xây dựng NTM của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch giữ vững và nâng cao tiêu chí xã NTM đã đạt, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, lũy kế có 10/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 71,4%; 5/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 35,7%.

“Đổi mới tư duy sản xuất và tổ chức sản xuất nông nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp - HTX, tổ hợp tác - hộ dân. Mở rộng diện tích nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, gắn với nhu cầu và yêu cầu của thị trường để phát triển ổn định và bền vững. Đặc biệt là cần xây dựng các mô hình điểm, tiêu biểu, cách làm hay, nêu gương người tốt, việc tốt trong xây dựng NTM để tuyên truyền và nhân rộng”, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà chia sẻ.

Nâng “tầm” kinh tế hợp tác để nâng “chất” NTM

Tổ hợp tác (THT) sản xuất mắc ca Tân Thanh (xã Tân Thanh) được thành lập vào năm 2019 là một trong những THT tiêu biểu đang phát huy hiệu quả trong việc giúp đoàn viên thanh niên và người dân địa phương nâng cao thu nhập.

-2911-1667236244.jpg

Các HTX được xác định sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: TL)

Theo đó, khi mới thành lập, THT chỉ có 10 thành viên, chủ yếu trồng mắc ca xen canh cà phê trên diện tích 15ha; đến nay đã phát triển lên 32 thành viên, diện tích được mở rộng trên 25ha. Trung bình mỗi cây mắc ca cho thu hoạch từ 8 - 10kg quả/vụ. Thương lái thu mua tại vườn từ 120 - 130 nghìn đồng/kg, mắc ca sấy khô có giá từ 280 - 300 nghìn đồng/kg, bình quân thu nhập gần 200 triệu đồng/ha mắc ca.

Tổ trưởng Ngô Văn An cho biết, THT sản xuất mắc ca Tân Thanh được thành lập với mục tiêu tập hợp, đoàn kết thanh niên cùng nhau chuyển đổi thuần cà phê sang trồng cây mắc ca. Do nhận thấy cây mắc ca là loại cây có nhiều thế mạnh, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn và cho giá trị kinh tế cao cùng nguồn thu nhập ổn định nên dự kiến đến cuối năm 2022 này, anh An sẽ thành lập HTX với quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 38 HTX, với số vốn hoạt động gần 70 tỷ đồng, 80 THT, hoạt động trong lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp; cà phê, trồng rau hoa, trồng cây dược liệu, chăn nuôi tằm, bò sữa… Theo đánh giá của ngành chức năng và chính quyền địa phương, hầu hết các HTX, THT hoạt động có hiệu quả kinh tế cao; số lao động làm việc thường xuyên là trên 1.500 người; thu nhập bình quân của một lao động khoảng 45-50 triệu đồng/năm.

Một trong những điển hình là HTX trái cây Bốn Mùa ở xã Đan Phượng. HTX có 7 thành viên tham gia với 36,7 ha trồng cam đường canh, xoài, bưởi, bơ, sầu riêng.

Mục tiêu của HTX là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, vừa tiết kiệm thời gian, giảm chi phí nhân công và đầu tư, lại nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế, đặc biệt là tung ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn.

Quy trình sản xuất được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Theo đó, nông dân sử dụng phân hữu cơ được ủ từ phân bò, heo, xác thực vật để bón cho cây ăn trái của gia đình, đồng thời dùng bẫy sinh học, bẫy vật lý để phòng trừ sâu bệnh.

Trái cây của HTX được gắn tem truy xuất nguồn gốc và trên mỗi sản phẩm đều thể hiện rất rõ đặc trưng của loại quả, nơi sản xuất, trên trang web có hình ảnh, nơi sản xuất, ngày sản xuất, video... Sản xuất theo hướng hữu cơ là cơ hội cho trái cây của HTX khẳng định được chất lượng của mình trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.

Vì vậy, trái cây của HTX đã có được thương hiệu, được đo lường chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh với các loại trái cây khác trong nước cũng như nhập khẩu, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định.

Trong các giải pháp hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lâm Hà xác định sẽ đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn. Lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương. Qua đó, góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn, tạo thêm động lực mạnh mẽ cho xây dựng NTM bền vững.

Trước đó, Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ huyện cũng đã xác định việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ theo quy hoạch, với vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, HTX.

Cụ thể, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX thông qua lồng ghép các nguồn kinh phí để hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc và nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ cho các HTX và thành viên; phấn đấu đến năm 2025 có 2 HTX đáp ứng các tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao: Hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức liên kết ngang, liên kết dọc trong các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Phát triển, quảng bá thương hiệu, nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết với vùng sản xuất trong tỉnh, TP.HCM, các tỉnh Tây Nguyên, TP. Hà Nội… trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Nhằm khuyến khích và thúc đẩy các mô hình kinh tế tập thể, HTX phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, ngoài tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, huyện Lâm Hà sẽ chú trọng việc liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm của các HTX và THT, góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập cho thành viên cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện, từ đó nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM.

Minh Đức


Tác giả: Diện mạo nông thôn khởi sắc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết