A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân Sơn Lahái ra tiền từ những vựa cây ăn trái trên đất dốc

Yên Châu những năm qua là một trong những “thiên đường” cây ăn trái ở Sơn La. Trên những sườn dốc rộng hàng trăm ha, những vựa xoài, thanh long, nho hạ đen, nhãn… mọc lên san sát, mang lại thu nhập cao, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho nông dân địa phương.

Nhiều năm trước, hầu hết vùng đất trồng xoài hiện nay trên địa bàn huyện Yên Châu là đất trồng ngô. Cây ngô giúp người dân phần nào thoát nghèo, nhưng vì canh tác theo phương thức cũ, năng suất thấp, thị trường phụ thuộc thương lái, giá cả bấp bênh nên cuộc sống của người dân mãi không khá lên được.

Đổi đời nhờ cây ăn trái

Sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, mô hình cây ăn trái dần bén duyên và mở rộng trên địa bàn huyện, mang đến một luồng gió mới trong đời sống kinh tế của người dân tại các địa phương.

Đơn cử, vào năm 2013, ông Hoàng Văn Quán - Giám đốc HTX Hương Xoài (xã Tú Nang) đề xuất với địa phương cải tạo 3 ha xoài cổ thụ để hoang trên địa bàn với mong muốn tìm ra loại cây làm giàu cho mình. Được sự giới thiệu của một số bạn hữu, ông Hoan đã đầu tư hơn 100 triệu đồng đưa giống xoài Đài Loan về chiết cành.

Sau 2 năm, 3 ha xoài cho quả bói, được 60kg, giá bình quân thời điểm đấy là 20.000 đồng/kg, ông thu về được 1,2 triệu đồng. Năm thứ ba, thu nhập của gia đình ông đã đạt trên 50 triệu đồng.

-4101-1720427551.jpg

Xoài đang là một trong những cây kinh tế chủ lực ở Yên Châu, Sơn La.

Tiếng lành đồn xa, thành công của gia đình ông Quán trở thành nguồn cổ vũ cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã đến học hỏi rồi làm theo. Nhận thấy xu thế tăng lên của số hộ gia đình trồng xoài, ông Hoan đã vận động người dân tổ chức liên kết, hợp tác để cùng nhau sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2016, HTX Hương Xoài được thành lập với 13 thành viên. Cùng với sự ra đời của HTX Hương Xoài, từ 3 ha xoài bỏ hoang ban đầu, đến nay cây xoài là cây trồng chủ lực chính của xã Tú Nang.

Vụ xoài năm 2024 tại Tú Nang đang vào những ngày cuối cùng, và năm nay tiếp tục là năm thắng lớn của các hộ sản xuất. Anh Hoàng Văn Hiệp, nông dân trồng xoài ở bản Cốc Lắc, chia sẻ những năm gần đây, cây xoài liên tục cho giá trị ổn định. Gia đình anh năm nay triển khai gần 1 ha xoài tượng da xanh, sản lượng ước đạt 9 - 10 tấn, đã thu hoạch khoảng 60%.

“Năm ngoái, giá ổn định ở mức trên dưới 10 nghìn đồng/kg, năm nay giảm đôi chút, nhưng đổi lại sản lượng cao hơn nên doanh thu của các hộ trồng xoài ở Yên Châu nhìn chung vẫn ổn định. Với giá bán cao, gia đình tôi thu về gần 100 triệu đồng vụ vừa qua”, anh Hiệp hồ hởi nói.

Liên kết để thành công

Không chỉ có xoài, Sơn La những năm qua là một trong những “thủ phủ” cây ăn trái toàn quốc, với không ít cây chủ lực cho giá trị kinh tế cao, mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho nhiều nông dân, HTX, tổ hợp tác.

Như tại xã Yên Sơn, mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc cũng được phát triển mạnh mẽ. Trong đó, HTX nông nghiệp Hoa Mơ đang hỗ trợ người dân áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để nâng cao giá trị kinh tế. Đến nay, HTX có 15 ha mận hậu, 15 ha chanh leo được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và 3 ha nhãn, 2 ha xoài.

-7906-1720427551.jpg

Yên Châu sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ, phát huy tiềm năng của các loại cây ăn quả thế mạnh.

Ngoài trồng trọt, HTX còn chăn nuôi hơn 100 con trâu, bò, dê, lợn để tăng nguồn thu. Đặc biệt từ đây nguồn phân chăn nuôi được tận dụng để ủ hoai, bón cho cây trồng. Với vai trò hỗ trợ người dân sản xuất, HTX cũng bao tiêu sản phẩm cho 52 hộ trong xã với 10 ha chanh leo, 10 ha mận hậu để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và siêu thị tại các tỉnh, thành phố.

Nhờ năng động trong sản xuất, doanh thu của HTX đạt trung bình 18 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của các thành viên từ 400-600 triệu đồng/năm. HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động địa phương với mức tiền công từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Từ trồng cây ăn quả, có 3 hộ thành viên HTX đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh và nhiều thành viên, hộ liên kết thoát nghèo thành công.

Hay như tại xã Lóng Phiêng, HTX sản xuất nông nghiệp Phương Nam thành lập năm 2016, chuyên trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi. HTX đã giúp các thành viên tiếp cận kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng cường cải tạo, chiết ghép các loại cây ăn quả có năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, hướng tới người tiêu dùng và các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Viết Tuân, thành viên HTX Phương Nam, chia sẻ: “Từ khi vào HTX, chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh gây hại theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, gia đình tôi trồng 5 ha nhãn, nuôi 30 con lợn nái, 300 con lợn thịt, xuất chuồng hơn 150 tấn lợn hơi/năm, trừ chi phí thu lãi 1,2-1,5 tỷ/năm”.

Phát triển kinh tế hàng hóa

Theo thống kê, huyện Yên Châu hiện có trên 11.300 ha cây ăn quả các loại, sản lượng trên 90.000 tấn quả/năm, trong đó có gần 1.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; được cấp 67 mã số vùng trồng, tổng diện tích 1.140 ha.

Có thể nói, phát triển kinh tế hàng hóa, chuyển đổi từ đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả đang giúp giá trị kinh tế của huyện được nâng lên.

Để tiếp tục giúp người dân giảm nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau, Yên Châu đang đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đáng chú ý, từ năm 2020 đến nay, huyện Yên Châu đã hỗ trợ 28 HTX mua bao bì, nhãn mác đóng gói sản phẩm; đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 24 HTX, với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng.

Một số HTX đã tích cực xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm rau, quả, như: Sản phẩm nhãn và long nhãn của HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng và HTX hoa quả Quyết Tâm, xã Tú Nang; liên kết tiêu thụ xoài của HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc; mận hậu của HTX Toàn Phát, xã Phiêng Khoài; rau của HTX nông nghiệp Chiềng Phú, xã Chiềng Pằn và HTX Thanh Sơn, xã Yên Sơn... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập từ 200-400 triệu đồng/ha.

Với việc chú trọng phát triển kinh tế HTX trên địa bàn, đã tạo tư duy tích cực cho các thành viên HTX trong sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh - sạch - an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, góp phần giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Lệ Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết