A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lắm gian nan, nhiều ‘trái ngọt’ như xây dựng nông thôn mới ở Lạng Giang

Không “rủng rỉnh” ngân sách xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng nhờ chuẩn bị kỹ càng và có cách làm phù hợp với thực tế ở địa phương, huyện Lạng Giang trong những năm gần đây nổi lên là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Lạng Giang đang là địa phương hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế tập thể, HTX phát triển đang trở thành những điển hình trong việc nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, góp phần vào xây dựng NTM thành công.

Nhiều mô hình hay, cách làm mới

Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2017, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) tiếp tục bắt tay vào XDNTM nâng cao. Với tư duy nâng cao các tiêu chí NTM không chỉ xây dựng, nâng cao kết cấu hạ tầng, các thiết chế cứng mà còn phải chú trọng phát triển kinh tế, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn...

-5613-1668398744.jpg

HTX Cây ăn quả Quang Thịnh có hơn 200 thành viên với diện tích trồng bưởi gần 50 ha, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP.

Để bức tranh NTM ở các khu dân cư thực sự khởi sắc, Đảng ủy xã Nghĩa Hòa xác định cùng với việc xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất, xã đặc biệt chú trọng đến phát triển và nhân rộng những mô hình kinh tế nông thôn, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng NTM nâng cao.

Bên cạnh việc chính quyền các xã trên địa bàn huyện Lạng Giang khẩn trương thực hiện các giải pháp để thực hiện NTM. Bản thân các mô hình kinh tế, trong đó có KTTT mà nòng cốt là các HTX cũng đang có nhiều tích cực đóng góp phong trào xây dựng NTM thông qua việc sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như HTX Cây ăn quả Quang Thịnh, HTX có hơn 200 thành viên với diện tích trồng bưởi gần 50 ha, trong đó 20 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện giống cây bưởi có sẵn đang được các hộ trồng và chăm sóc là giống bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc. Trung bình mỗi năm, sản lượng bưởi của HTX cung cấp ra thị trường khoảng 4 nghìn tấn quả, mang lại doanh thu 2,5 tỷ đồng.

HTX cũng đã được cấp nhãn hiệu tập thể “Bưởi Quang Thịnh”. Ông Ong Khắc Vui, Giám đốc HTX Cây ăn quả Quang Thịnh cho biết: "Thời gian qua, HTX tích cực kết nối các xã viên tổ chức, tham gia nhiều buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất áp dụng quy trình VietGAP; kiểm tra, ứng dụng zalo để thông tin tới các thành viên về thời vụ chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình, sử dụng phân bón có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng".

Hay như mô hình HTX Nuôi trồng thủy sản Đại Lâm với 15 thành viên được thành lập từ tháng 9/2021. Các thành viên khi tham gia vào HTX đều là những hộ gia đình có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc cá và mạnh dạn bỏ vốn đầu tư các thiết bị phục vụ thủy sản như guồng đảo nước, hệ thống cho ăn tự động...

Các thành viên trong HTX cũng giới thiệu thương lái thu mua cá cho nhau mỗi khi có gia đình đến kỳ thu hoạch. Tuần trước, gia đình anh Dương Đăng Mạnh, Giám đốc HTX vừa bán 16 tấn cá cho thương lái trong và ngoài tỉnh, với giá bán trung bình 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi hơn 250 triệu đồng.

Hỗ trợ đào tạo cho các HTX

Nhờ có những địa phương như Lạng Giang mà bức tranh kinh tế tập thể ở Bắc Giang đang ngày một khởi sắc. Tính đến 30/6/2022 trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang có 1.005 hợp tác xã, trong đó: Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 65,3 %; lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm 32,7 %; quỹ tín dụng nhân dân chiếm 2 %. Tổng vốn điều lệ của các hợp tác xã là 2.409 tỷ đồng, với 35.218 thành viên tham gia.

Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng NTM ở Lạng Giang bên cạnh những thành công thì vẫn còn đó những trăn trở, những tồn tại hạn chế cần được khắc phục. Chẳng hạn, việc huy động, sử dụng nguồn lực để triển khai thực hiện xây dựng NTM của một số xã còn gặp khó khăn do đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Một số xã còn khó khăn trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đặc biệt là thực hiện mô hình phát triển sản xuất. Chưa chú trọng đúng mức để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường,...

-4893-1668398744.jpg

Lạng Giang là một trong những địa phương ở Bắc Giang có nhiều cách làm hay trong phát triển KTTT, HTX và xây dựng NTM.

Hơn nữa, muốn đưa KTTT, HTX vào “quỹ đạo” phát triển cũng không phải là câu chuyện “một sớm, một chiều”, mà đó là cả một quá trình chuẩn bị kỹ càng của cả chính quyền và bản thân các HTX. Đơn cử, việc liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ của các DN, HTX còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động của một số HTX nông nghiệp chưa cao. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển mạnh. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp.

Trong bối cảnh đó, để nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế HTX, các cơ quan chuyên môn của huyện đã chủ động phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý HTX gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, quan tâm tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng để đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào dây chuyền sản xuất...

Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh với vai trò cầu nối giữa HTX với các cấp chính quyền địa phương đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ các HTX, đơn vị thành viên nâng cao cả về chất lượng và số lượng theo hướng thiết thực, hiệu quả thông qua công tác bồi dưỡng, tập huấn; cho vay vốn ưu đãi...

Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã cho các HTX vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ giải quyết việc làm khoảng 20 tỷ đồng; làm cầu nối giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam với số tiền là 26,6 tỷ đồng.

Liên minh HTX tỉnh cũng đã đổi mới trong công tác tổ chức triển khai thực hiện kết nối, xúc tiến thương mại hỗ trợ các HTX trong việc tiêu thụ nông sản, góp phần giúp các HTX, đơn vị thành viên tăng cường công tác kết nối, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ vậy, các HTX sau khi thành lập cơ bản đã phát huy vai trò của mình trong việc liên kết sản xuất. Nhiều HTX đã đứng lên tổ chức mua vật tư với số lượng lớn rồi hỗ trợ trước cho thành viên để giảm chi phí, đến khi thu hoạch đứng ra kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Kinh tế nông thôn phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân đã góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM ở huyện Lạng Giang. Ban Thường vụ Huyện ủy Lạng Giang xác định mục tiêu xây dựng huyện NTM vào năm 2025, đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2030 và phát triển lên thị xã sau năm 2030.

Sau hai năm, hiện nay huyện có 4/19 xã về đích NTM nâng cao, 39/95 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện huy động hơn 83,2 tỷ đồng xây dựng NTM, người dân các xã, thị trấn đóng góp hơn 12 nghìn ngày công, hiến hơn 36,7 nghìn m2 đất…

Theo lãnh đạo huyện Lạng Giang, để thực hiện đúng lộ trình NTM đề ra, thời gian tới huyện sẽ tập trung đầu tư nguồn lực cho từng xã trên cơ sở rà soát chính xác các tiêu chí, đầu tư có trọng điểm và dứt điểm từng tiêu chí. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực theo phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân”.

“Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH NTM và phát triển đô thị, ưu tiên nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng kết nối, liên thông nông thôn - đô thị và hạ tầng bảo vệ môi trường, kỹ thuật, công nghệ thông tin…”, vị đại diện nói.

Lê Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết