Hương quế bay xa giúp người dân thoát cảnh nghèo khó
Phát triển, nâng tầm cây quế đi liền với nhân rộng mô hình HTX đang giúp đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) được nâng cao, từ đó thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Cây quế từ lâu không chỉ là sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, mà còn là biểu tượng của cuộc sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Bắc Trà My. Đặc biệt, vườn quế còn được coi như một tài sản lớn trong gia đình của đồng bào dân tộc miền núi Bắc Trà My.
Lấy lại vị thế cho cây quế
Trước đây, cư dân người Kor, Cadong, Xơ Đăng bản địa ở Bắc Trà My đã tìm được nhiều cây dược liệu quý từ núi rừng để phục vụ đời sống thường nhật. Một trong số đó là quế, loài cây hoang dại được họ đưa về trồng để dùng và trao đổi, buôn bán, mang lại nhiều giá trị đích thực.
Những năm 1980 -1990, mỗi kg quế khô ở đây có giá trị tương đương 1 chỉ vàng ròng. Những mặt hàng như quế kẹp, quế ống, tinh dầu quế cũng được xuất khẩu đi khắp thế giới với nhu cầu tiêu thụ vượt cả nguồn cung ứng. Quế được mệnh danh là cây “vua” giúp đồng bào các dân tộc ấm no.
Những năm sau đó, những giống quế ở phía Bắc tăng trưởng nhanh, thân cao, khoẻ, được trồng nhiều, lấn át cây quế địa phương vốn tăng trưởng chậm hơn. Các giống quế ở miền Bắc cũng có chu kỳ thu hoạch nhanh hơn nên được một số người trồng và các tiểu thương chế biến, bán lẫn lộn với quế địa phương. Từ đây, danh tiếng và giá bán của quế Bắc Trà My bị giảm sút. Nhiều người dân bản địa bỏ chăm sóc, thậm chí đốn hạ quế để trồng những loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả khác.
Tuy nhiên, xác định quế là loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, sản phẩm thu về có lượng tinh dầu cao hơn nhiều vùng khác nên sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, huyện quyết tâm cùng người dân vực dậy danh tiếng, vị thế, giá trị của cây quế Bắc Trà My.
Theo đó, huyện Bắc Trà My đã ban hành và thực hiện Nghị quyết số 20/2021 về bảo tồn, phát triển cây quế giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Huyện đẩy mạnh phát triển vùng trồng quế theo hướng sản xuất hàng hoá, đưa trồng quế thành nghề có thế mạnh và đưa quế là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững…
Từ nguồn kinh phí của Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã tổ chức tập huấn các cơ chế, chính sách, kỹ thuật bảo tồn và phát triển quế nhằm nâng cao năng lực cho người dân. Nhiều dự án liên kết chuỗi, một số HTX được hình thành để hỗ trợ việc trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, việc hỗ trợ người dân, HTX cải tạo giống, loại bỏ tình trạng quế bị thoái hóa, cây chậm lớn, còi cọc, dễ bị nhiễm bệnh ký sinh… bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững luôn được các cấp ngành quan tâm.
Nhờ vậy, nhiều người đã tin tưởng, gắn bó với cây quế. Tính đến giữa năm 2023, diện tích trồng quế nguyên liệu của huyện được nâng lên hơn 1.700 ha. Hàng chục doanh nghiệp được tiếp sức, thu hút về địa phương để phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến hàng hoá từ quế cùng với người dân, HTX.
Đến nay, với sự đồng lòng của người dân, HTX, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, thương hiệu quế Bắc Trà My lại tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Nâng cao giá trị gia tăng
Không chỉ chú trọng vào việc trồng, chăm sóc, mở rộng vùng nguyên liệu từ cây quế, huyện còn khuyến khích, hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cây quế.
Một trong những mô hình tiêu biểu trong việc đẩy mạnh chế biến sâu đó là HTX Quế Trà My - Minh Phúc (xã Trà Giang). Đơn vị này đã đầu tư hệ thống chiết tách tinh dầu với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. HTX cũng liên kết với 26 hộ để xây dựng vùng nguyên liệu có diện tích 56ha đạt tiêu chuẩn GACP để phục vụ chế biến.
Quế được coi là cây trồng chủ lực vì mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân nâng cao đời sống, giảm nghèo. |
Việc đầu tư bản bản đã giúp tinh dầu quế của HTX bảo đảm chất lượng, hoàn toàn không có cặn, đảm bảo an toàn so với phương pháp sản xuất tinh dầu thủ công.
Đến nay, ngoài bán quế cạo vỏ, HTX còn xuất khẩu được tinh dầu, đưa tinh dầu tham gia chương trình OCOP và đạt chứng nhận 4 sao. Các thành viên cũng đầu tư máy móc để chế biến bột quế, dầu xoa, dung dịch sát khuẩn, dung dịch xịt phòng, quế vỏ, xà phòng quế…
Cũng chú trọng đầu tư chế biến sâu, HTX Thái Hoà (xã Trà Tân) đã nghiên cứu và sản xuất đèn tinh dầu quế và đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Còn HTX nông lâm nghiệp Ngọc Quế (xã Trà Giáp) nghiên cứu và sản xuất ra sản phẩm đĩa gỗ quế. Nhiều HTX, người dân địa phương còn sản xuất ra nhang quế, đũa quế, trà quế túi lọc, nước rửa tay, nước lau sàn từ quế và đều được huyện hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối với doanh nghiệp để mở rộng đầu ra, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Theo đánh giá của các HTX, quế ở địa phương có ưu điểm là lượng tinh dầu nhiều nên thuận tiện cho việc chiết xuất, chế biến, đầu tư thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đa dạng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Ngoài bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở các vùng đất đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa, việc trồng và chế biến quế đã đưa cây trồng này thành cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao và giúp người dân định canh định cư, giảm nghèo cũng như tạo việc làm.
Chỉ tính riêng những hộ trồng quế nguyên liệu, với giá bán trung bình khoảng 60.000-70.000 đồng/kg, mỗi ha quế, người dân có thể thu về 1-1,2 tỷ đồng. Lợi ích của cây quế so với cây trồng khác là ngoài thu hoạch từ vỏ quế, người dân tận dụng được cả thân, lá để bán cho các đơn vị chế biến. Ngoài ra, nhờ trồng cây quế và có thu nhập ổn định đã góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nhất là trong việc thực hiện 2 tiêu chí khó về hộ nghèo và thu nhập.
Hiện tại, ở nhiều địa phương tại Bắc Trà My, quế được trồng ở khắp mọi nơi, trong rừng, trên đồi, xung quanh vườn nhà. Hộ ít nhất cũng vài trăm cây, nhiều thì tới vài héc ta, bởi cây quế mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho người dân.
Tiếp tục đưa quế vươn xa
Để phát triển và khẳng định giá trị từ cây quế, Bắc Trà My đã đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông với nhiều tuyến như: Bắc Trà My - Trà Bồng, đường Trà Kót - Tam Trà, đường Đông Trường Sơn qua địa phận huyện Bắc Trà My, đường Trung tâm nội thị, đường tránh phía Tây thị trấn… nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, liên kết sản xuất, thu hút doanh nghiệp liên kết với người dân, HTX.
Đặc biệt, huyện cũng rút gọn các thủ tục hành chính, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây quế cũng như việc xúc tiến, mở rộng thị trường.
Thống kê của UBND huyện Bắc Trà My, ngoài diện tích quế cho sản lượng khai thác đạt hơn 400 tấn/năm, huyện còn còn đang có 4 HTX, 10 hộ kinh doanh quy mô lớn đang tham gia sản xuất và đưa ra thị trường hơn 70 sản phẩm từ quế ra thị trường trong và ngoài nước. Trong đó có 1 sản phẩm OCOP từ quế đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao…
Tuy nhiên, vốn là vùng có truyền thống về phát triển cây quế nhưng với diện tích hiện tại có thể thấy vùng nguyên liệu quế ở Bắc Trà My còn rất khiêm tốn.Và việc chế biến các sản phẩm từ quế vẫn chưa tận dụng hết các thành phần phụ của cây quế như thân cây, cành, nhánh và lá nên giá trị hàng hóa thu về thấp. Việc đầu tư chế biến đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ.
Trong khi đó, đặc điểm của quế ở Bắc Trà My ngoài tinh dầu cao hơn quế ở vùng miền núi phía Bắc thì nhược điểm là thân thấp, sinh trưởng chậm, phải trên 20 năm tuổi mới cho thu hoạch thương phẩm. Chính vì vậy, việc tính toán trong việc cải tạo giống, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị loại cây trồng này cũng cần được quan tâm để tiếp tục đưa cây quế phát triển xứng tầm.
Để giải quyết bài toán phát triển vùng nguyên liệu và tiếp tục nâng cao giá trị cây trồng, huyện đang tích cực lồng ghép, huy động các nguồn lực từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia cũng như tập trung nghiên cứu cải tạo giống quế, khuyến khích người dân quay lại trồng quế, mở rộng vùng nguyên liệu.
Đồng thời, huyện đẩy mạnh quảng bá thương hiệu; có cơ chế xúc tiến, thu hút, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển, sản xuất đa dạng hóa sản phẩm từ cây quế; đào tạo nhân lực nghề làm quế truyền thống, nhất là kẹp quế…, hướng tới khẳng định vị thế, thương hiệu quế Trà My ở cả trong và ngoài nước.
Minh Nhương