A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HTX gặp nhiều lực cản trong xanh hóa sản xuất

Thực hiện kinh tế tuần hoàn, xanh hóa sản xuất là điều cần thiết đối với các HTX nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị. Tuy nhiên, khó khăn về vốn và công nghệ đang là lực cản đối với các HTX.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp trong nước và thế giới đều hướng đến và yêu cầu các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm cho họ phải có lộ trình ứng dụng những máy móc công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm khí thải, tiết kiệm nguyên liệu…

Thiếu công nghệ vì tắc nguồn vốn

Còn các HTX muốn tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu cũng cần phải đầu tư cho sản xuất kinh doanh một cách chuyên nghiệp. Và muốn làm được điều này, điều đầu tiên HTX phải đầu tư cho công nghệ, máy móc. Tuy nhiên, việc đầu tư máy móc để tối ưu chi phí, nâng tầm chất lượng sản phẩm cũng như hướng đến những lợi ích lâu dài hiện là "bài toán khó" đối với các HTX.

Tại HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập (Bình Phước), các thành viên đã nhận thấy vai trò của nền kinh tế tuần hoàn nên chú trọng sản xuất điều theo hướng hữu cơ ngay từ khi thành lập. Vậy nhưng đến công đoạn sản xuất, HTX muốn đầu tư máy móc đồng bộ, hiện đại để sơ chế, chế biến thì lại không có vốn, bởi tài sản lớn nhất của thành viên chỉ là những vườn điều.

Do chỉ có đất nông nghiệp nên quá trình định giá thấp, không đủ đảm bảo để thế chấp nên HTX khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Chính vì vậy, mong muốn được hoàn thiện quy trình từ sản xuất đến chế biến nhằm đáp ứng các yêu cầu kiểm soát phát thải của HTX vẫn còn dang dở.

Còn tại HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (Đồng Nai), các thành viên đang tận dụng bẹ chuối khô để lấy xơ, sợi cung cấp cho các thị trường nước ngoài làm các mặt hàng thủ công. Theo Giám đốc Lý Minh Hùng, xơ sợi chuối là nguyên liệu thân thiện với môi trường nên tiềm năng xuất khẩu lớn. Chính vì vậy, HTX muốn tiếp tục đầu tư máy móc để hoàn thiện quy trình chế biến theo hướng khép kín.

-5465-1665480065.jpg

Đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại cần nguồn vốn lớn, trong khi nhiều HTX đang khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Vậy nhưng khó khăn của HTX Thanh Bình cũng tương tự như HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập, đó chính là muốn đầu tư máy móc công nghệ, HTX cần có vốn nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn còn khó khăn vì HTX đã thế chấp tài sản đầu tư cho mảng trồng chuối hữu cơ kết hợp phục vụ xuất khẩu.

Có thể thấy, vốn là huyết mạch giúp các HTX có thể hoàn thiện các ý tưởng, kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng xanh hóa. Tuy nhiên, đa số các HTX đều không có tài sản chung thế chấp, hay phải thực hiện các thủ tục, giấy tờ phức tạp làm cản trở quá trình tiếp cận các nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Còn các tổ chức tín dụng luôn cân nhắc, khắt khe trong mọi quy trình cho vay vốn nhằm hạn chế rủi ro. Chính vì vậy mà dù nhìn thấy những hiệu quả bước đầu và tiềm năng phát triển khi mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ hiện đại hướng tới hoạt động chuyên nghiệp hơn, nhưng rào cản về vốn vẫn đang kìm hãm các HTX. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chũng chứng minh điều này. Qua khảo sát cho thấy, có khoảng 79% HTX không có tài sản thế chấp để vay tín dụng thương mại từ các ngân hàng nên sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, đối với các HTX góp vốn hạn chế, chưa thu hút được doanh nghiệp vào làm thành viên, việc đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại lại càng không dễ.

Bàn Trần Thị Yến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập cho biết, để xây dựng nhà máy chế biến điều hữu cơ theo hướng chuyên nghiệp, kinh phí đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong khi HTX vẫn cần nguồn vốn đề chăm sóc cho hàng trăm ha điều. Nếu không được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, HTX khó có thể hoàn thiện máy móc, công nghệ.

Cần sự đồng hành của Nhà nước

Theo các chuyên gia, muốn tồn tại và cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường, đặc biệt là phục vụ xuất khẩu, các HTX buộc phải tính toán, cân đối nguồn vốn để từng bước thay đổi công nghệ, hướng đến sản xuất theo chuỗi và xanh hóa môi trường.

Th.s Nguyễn Thị Thục, Chủ tịch Hội Nhịp cầu Doanh nhân Thụy Sĩ - Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp, siêu thị ở Thụy Sỹ và các nước EU đều chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường nên họ kiểm tra rất kỹ quy trình sản xuất của HTX, doanh nghiệp Việt. Chính vì vậy, muốn xuất khẩu sang các thị trường này, HTX buộc phải đầu tư cho công nghệ, tính toán từ hàm lượng chất thải, phụ gia trở đi.

Tuy nhiên, trước bài toán về vốn và công nghệ hiện nay, các HTX cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng phù hợp với mô hình kinh tế tập thể. Cụ thể là để nâng cao tỷ lệ HTX được tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, khâu định giá tài sản thế chấp cần được rà soát, tính toán phù hợp từ đó thống nhất cách làm và đưa ra những cơ chế ưu tiên, khuyến khích cho các HTX.

Ngoài vấn đề trên, các quy định pháp luật về kinh tế tập thể, HTX cũng cần được sửa đổi, bổ sung một cách phù hợp nhằm tạo điện kiện cho HTX tiếp cận nguồn vốn để đầu tư công nghệ.

Chẳng hạn như về tín dụng nội bộ (Thông tư 15 đã hết hạn) cần sửa những điều khoản quy định góp vốn tối thiểu của thành viên HTX để HTX chủ động nguồn vốn. Bên cạnh đó cần có các quy định khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng chính sách tín dụng cho HTX, nhất là cần gói tín dụng để giúp nông dân, thành viên HTX không "trông chờ" vào tín dụng đen. Việc khuyến khích HTX mở rộng thành viên, hợp tác liên kết để tạo thành chuỗi nội bộ sản xuất lớn cũng sẽ giúp giải quyết những khó khăn về vốn, công nghệ.

Các cơ quan quản lý cũng cần xem xét các quy định của Nghị định 116/2018/ NĐ-CP và Nghị định 55/2015/NĐ-CP về tín dụng nông nghiệp nông thôn để tạo điều kiện hỗ trợ cho vay nhiều hơn đối với các khoản vay không có tài sản thế chấp cho các mô hình HTX hoạt động hiệu quả.

Huyền Trang


Tác giả: Thiếu công nghệ vì tắc nguồn vốn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết