A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chậm phát triển cây trồng biến đổi gen, HTX thiệt đơn thiệt kép

Nếu có các chính sách cụ thể và sự cởi mở hơn trong suy nghĩ về cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học (biến đổi gen, chỉnh sửa gen), các HTX sẽ có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả cây trồng, vật nuôi hơn, đồng thời giảm chi phí đầu vào.

Theo thống kê, nếu như năm 2015, diện tích ngô công nghệ sinh học (biến đổi gen) của Việt Nam chỉ vào khoảng 3.500 ha, chiếm chưa tới 1% tổng diện tích ngô cả nước thì tới nay đã tăng gần 27 lần.

Tốc độ phát triển còn hạn chế

Tuy nhiên, dù mang lại hiệu quả kinh tế khả quan nhưng diện tích ngô biến đổi gen vẫn được đánh giá là quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất, chăn nuôi của người dân, HTX, doanh nghiệp.

Ông Trần Quang, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (Đồng Nai) cho biết ngô GMO là một giống biến đổi gen được Bộ NN&PTNT cho phép thương mại hóa. Song song với trồng lúa, HTX sẽ luân canh trồng ngô GMO trên diện tích 150ha và đều được tiêu thụ ổn định thông qua doanh nghiệp.

Còn HTX Dịch vụ nông nghiệp Tràng Đà (Tuyên Quang) đang trồng giống ngô biến đổi gen NK7328 Bt/GT (ngô sinh khối). Điểm nổi bật của giống cây này là thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả cao hơn trồng ngô lấy hạt. Cụ thể là năng suất 2,5 - 2,6 tấn/sào (50 - 52 tấn/ha), giá bán cao hơn ngô lấy hạt trên 7 triệu đồng/ha. Ngô biến đổi gen NK7328 Bt/GT được các HTX và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để phục vụ chăn nuôi bò.

-9382-1666345472.jpg

Trồng các giống ngô biến đổi gen sẽ góp phần giải quyết vấn đề phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi.

Theo nghiên cứu của các ngành chức năng, trồng ngô biến đổi gen có khả năng chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 16-30%. Lợi nhuận canh tác có được từ việc trồng các giống ngô này cũng tăng với mức từ 4,5 - 7,6 triệu đồng/ha. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi canh tác ngô biến đổi gen giảm đáng kể, với thuốc từ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%.

Tuy nhiên, giá thành hạt giống ngô biến đổi gen cao và chưa được bán phổ biến có lẽ là trở ngại để người dân, HTX mở rộng áp dụng loại cây trồng này.

“Giống ngô biến đổi gen có mức giá cao hơn nhiều so với ngô lai F1 truyền thống. Trong khi đó, giá ngô hạt thương phẩm lại đang ở mức thấp nên chưa khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo trồng”, ông Trần Quang nói.

Việc các loại giống biến đổi gen chưa được phát triển phổ biến khiến người dân, HTX phải chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình sản xuất kinh doanh. Cụ thể là ngô, đậu tương… là những nguyên liệu được sử dụng nhiều để phục vụ chăn nuôi nhưng Việt Nam đều phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Một thống kê chỉ ra rằng Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực đang nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu để phục vụ ngành chăn nuôi và thủy sản, tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam hiện chủ yếu là từ cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương, các loại khô dầu ngô, cải dầu...).

Phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khiến người dân, HTX trong nước đang gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi. Hiện, chi phí đầu tư cho chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn luôn cao hơn giá bán khiến người dân, HTX thiệt đơn thiệt kép.

Cần "cú hích" mới mạnh hơn

Bên cạnh cây ngô chuyển gen được thương mại hoá vào năm 2015, đến tháng 2/2020, Bộ NN&PTNT đã đưa ra danh mục thực vật biến đổi gen được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam gồm: đậu tương (13 giống), ngô (17 giống); củ cải đường (1), cải dầu (4), bông (2), cỏ linh lăng (2). Như vậy, Việt Nam đã gia tăng không ngừng các giống cây trồng biến đổi gen sau năm 2015.

Tuy nhiên, trước thực trạng bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, các chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh phát triển cây trồng biến đổi gen nói chung, ngô biến đổi gen nói riêng sẽ từng bước giúp tăng năng suất cây trồng, hạ giá thành sản phẩm. Và về dài lâu, có thể giúp ngành chăn nuôi Việt Nam bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Đặc biệt, trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi của Việt Nam tới năm 2030 đặt ra chỉ tiêu tổng sản phẩm khối lượng thịt xẻ đạt 6,0 triệu tấn, sản lượng thịt đỏ tăng từ 4% hiện nay lên 10%, số lượng đàn bò sữa tăng từ 350.000 con lên 750.000 con để có sản lượng sữa tại Việt Nam tăng gấp 3 lần hiện nay.

Những mục tiêu này cho thấy nhu cầu về lượng thức ăn xanh cho gia súc là rất lớn, trong khi diện tích trồng cỏ, trồng ngô tại Việt Nam đang còn rất hạn chế. Chính vì vậy, càng cần phải thúc đẩy trồng các loại ngô sinh khối, biến đổi gen để bảo đảm nguồn thức ăn xanh phục vụ ngành chăn nuôi.

Một trong các giải pháp cần thiết là khuyến khích đẩy nhanh tốc độ đăng ký và giới thiệu các giống cây trồng mới, trong đó có các giống cây trồng biến đổi gen để giúp nông dân, HTX có đủ công cụ, thích ứng tốt hơn với điều kiện canh tác ngày càng khắc nghiệt, cải thiện năng suất và thu nhập…

Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, việc thực thi các quy định pháp lý liên quan tới cây trồng biến đổi gen, đặc biệt là cấp phép cho các giống ngô biến đổi gen mới được được đánh giá là còn chậm trễ và không nhất quán. Việc này ảnh hưởng đến quá trình đưa công nghệ hạt giống mới ra thị trường, làm giảm khả năng tiếp cận của nông dân, HTX với các giống cây mang tính trạng cải tiến thế hệ mới, bao gồm cả giống ngô biến đổi gen.

Chính vì lẽ đó mà diện tích trồng ngô trong nước không những không được mở rộng mà lại đang giảm mạnh. Các giống ngô công nghệ sinh học với nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng và tính thích nghi ổn định cao chưa thay thế được những giống cũ.

GS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho biết việc tiếp thu công nghệ mới là một trong các giải pháp để nâng cao năng suất và sản lượng ngô; góp phần thúc đẩy sản xuất và giảm áp lực nhập khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa giúp hoạt động chăn nuôi trong nước chủ động hơn.

Trên thực tế, việc đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất sau khảo nghiệm còn nhiều khó khăn. Công tác nghiên cứu, giám định cây trồng, sản phẩm biến đổi gen và đánh giá an toàn sinh học ngoài đồng ruộng cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Trong khi đó, để đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất, nông dân, HTX cần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng như chuyển đổi khung thời vụ phù hợp. Do vậy, Nhà nước cần khuyến khích người dân trồng các loại cây biến đổi gen thông qua hoạt động khuyến nông hoặc các hoạt động hợp tác công - tư khác. Bên cạnh đó, cần có cái nhìn cởi mở phù hợp để công tác cấp phép các loại giống được thuận lợi, thay vì rườm rà và chưa nhất quán như hiện nay.

Huyền Trang


Tác giả: Tốc độ phát triển còn hạn chế
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan