A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bà đỡ cho cơ sở công nghiệp nông thôn

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), nhiều năm qua, nguồn vốn khuyến công (KC) địa phương đã hỗ trợ các đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, góp phần tạo ra sản phẩm mới, nâng cao giá trị thương hiệu và tăng năng lực cạnh tranh.

Máy chiên chân không do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 1 phần kinh phí đã giúp cho HTX  Sản xuất nấm - ổi Hồng Lý tạo ra sản phẩm sấy khô phục vụ thị trường

Hình thành từ năm 2019, HTX Sản xuất nấm - ổi hữu cơ Hồng Lý ở xã Hồng Quảng (A Lưới) chuyên sản xuất các loại nấm và cung cấp trái cây tươi cho các đại lý, khách hàng trong tỉnh. Từ nhu cầu thực phẩm sạch của bà con địa phương, bà Đặng Thị Hồng, Giám đốc HTX đã lựa chọn khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm hữu cơ, nấm sạch để cung cấp cho thị trường, như nấm xò xám, nấm rơm, nấm meo và các loại trái cây như ổi, mít, chuối...

Khi mô hình trồng các loại nấm cũng như diện tích trồng được nhân rộng, nhu cầu thị trường tăng cao, HTX đã huy động 15 hộ dân trên địa bàn huyện tham gia sản xuất và kinh doanh nấm hữu cơ, cung cấp phôi nấm, đồng thời phát triển thêm các loại nấm và trái cây, rau củ quả sấy khô đáp ứng nhu cầu thị trường.

Do kinh phí đầu tư trang thiết bị để sản xuất sản phẩm mới khá cao nên giữa năm 2021, HTX lập đề án đề xuất vốn KC hỗ trợ kinh phí đầu tư máy chiên chân không để sấy nấm, trái cây, rau củ quả và được Sở Công thương phê duyệt đề án, hỗ trợ 109 triệu đồng trên tổng kinh phí trang bị máy là 242 triệu đồng.

Theo Giám đốc HTX, bà Đặng Thị Hồng, sau khi thụ hưởng vốn KC đầu tư máy chiên chân không để sấy sản phẩm, HTX phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, tăng số lượng nên đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện, các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong nước với số lượng từ 3- 5 tấn sản phẩm/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động. Sắp tới, HTX phát triển thêm nấm linh chi, nấm lim xanh nhằm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ, sinh viên thất nghiệp và nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn huyện có việc làm ổn định, thu nhập khá.

Theo thống kê của Sở Công thương, năm 2021, nguồn kinh phí KC địa phương bố trí hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Các đề án KC đăng ký tập trung nhiều vào nội dung hỗ trợ đầu tư thiết bị, máy móc tiên tiến vào sản xuất. Qua khảo sát, hiện các cơ sở CNNT trên địa bàn chủ yếu là các ngành nghề truyền thống với quy mô nhỏ, hộ gia đình nên năng lực quản trị doanh nghiệp thấp, nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh hạn chế; do đó, khi bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cơ sở thiếu nguồn vốn đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, thiếu vốn đối ứng để triển khai các đề án KC đã được phê duyệt.

Để phát huy hiệu quả các đề án KC, năm 2022, Sở Công thương ưu tiên bố trí vốn KC cho các đề án nhóm, đề án điểm và các đề án đầu tư có quy mô tương đối lớn, đồng thời tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp; làng nghề và các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho các cơ sở CNNT, ngành nghề truyền thống.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, nhiều năm qua, nguồn vốn KC đã kịp thời động viên, khuyến khích các cơ sở CNNT trong đầu tư phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh; đồng thời hỗ trợ cho hoạt động KC ngày càng đi vào chiều sâu. Trong đó, các địa phương tích cực phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức hướng dẫn thực hiện, nghiệm thu, thanh quyết toán các đề án KC đã kịp thời phát hiện, hỗ trợ tích cực các cơ sở CNNT đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, góp phần nâng cao nhận thức và hỗ trợ các cơ sở trong việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ và cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thanh Hương


Tags: cơ sở
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết