A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nối lại xuất khẩu hoa cắt cành sang Australia từ 1/3

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã đạt được thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và nguồn nước Australia về biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Australia, nhằm thay thế hoạt chất Glyphosate đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Australia.

Theo đó, phía Australia đồng ý cho phép Việt Nam sử dụng hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế Glyphosate xử lý mầm hoa cúc cắt cành xuất khẩu sang Australia kể từ ngày 1/3/2022.

 

Australia là một trong những thị trường truyền thống quan trọng đối với sản phẩm hoa xuất khẩu của Việt Nam suốt 23 năm qua, đặc biệt trong một số năm năm gần đây. Sản lượng xuất khẩu hoa sang Australia mỗi năm đạt gần 30 triệu cành hoa/lá trang trí, mang lại doanh thu 5,2 triệu USD/năm (2021).

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đối với một số loài hoa cắt cành nói chung, hoa cúc, cẩm chướng nói riêng, khi xuất khẩu hoa sang thị trường Australia phải tuân thủ quy định: hoa phải được xử lý bằng Glyphosate với nồng độ thấp trong vòng 20 phút nhằm triệt mầm hoa.

Đây là quy định chung mà Australia áp dụng với tất cả các nước xuất khẩu hoa cắt cành vào thị trường này.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, kể từ ngày 30/6/2021, các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate bị loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường.

Theo đó, Glyphosate không được sử dụng để triệt mầm hoa xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia. Còn theo quy định hiện hành, Australia lại chỉ cho phép sử dụng duy nhất hoạt chất Glyphosate đối với hoa cắt cành nhập khẩu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu hoa cắt cành sang thị trường Australia, trong thời gian qua Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và nguồn nước Australia cũng như các đơn vị sản xuất hoa cắt cành trong nước thực hiện nhiều thí nghiệm tìm kiếm các hoạt chất thay thế Glyphosate. Hồ sơ kỹ thuật đã được Cục nhanh chóng hoàn thiện và gửi tới cơ quan chuyên môn của Australia để xem xét.

Sau nhiều tháng đàm phán tích cực, đến nay, Bộ Nông nghiệp và nguồn nước của Australia đã cho phép Việt Nam là nước đầu tiên được phép sử dụng hoạt chất Metsufuron thay thế cho Glyphosate để xử lý cho hoa cắt cành xuất khẩu vào Australia.

Theo đó, hoa cúc cắt cành xuất khẩu sang thị trường Australia không cần xin giấy phép nhập khẩu từ phía Australia, với điều kiện phải được xử lý Metsulfuron methyl 200 gram/kg với liều 0,67 gram/lít.

Sau khi xuất khẩu trở lại hoa cúc cắt cành sang Australia, hai bên sẽ tiếp tục theo dõi mức độ an toàn, hiệu quả của Metsulfuron methyl trên lô hàng thực tế xuất khẩu trong 6 tháng tiếp theo nhằm đánh giá hiệu lực thực tế của hoạt chất này.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương và Hiệp hội hoa Đà Lạt chủ động phối hợp chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật theo đúng yêu cầu của phía Australia cũng như hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của Việt Nam để có thể nhanh chóng xuất khẩu hoa cắt cành sang thị trường này.

Trước đó, khoảng tháng 7/2021, Công ty TNHH Dalat Hasfarm (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã phải hủy bỏ 700.000 cành hoa cúc do không được sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa trước khi xuất khẩu sang Australia.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan