A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển biến tư duy để nông dân làm giàu

Khi bàn về khả năng thích ứng linh hoạt ở ngành nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan có nhấn mạnh “người nông dân cần chuyển biến triệt để tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp”. Xoay quanh câu chuyện chuyển biến tư duy này cho năm Nhâm Dần 2022, phóng viên VnBusiness đã trao đổi với hai chuyên gia kinh tế của Đại học RMIT là Ts. Abel Alonso và Ts. Vũ Thị Kim Oanh.

Trong thay đổi tư duy nhằm tạo dựng hình ảnh người nông dân Việt thế hệ mới để đưa tới những thay đổi lớn cho ngành nông nghiệp, vai trò của hoạch định chính sách nên có sự tương thích như thế nào để người nông dân làm giàu bằng chính công sức của mình?

IMG-0266-3-4187-1640249783.jpg

Ts. Abel Alonso

Ts. Abel Alonso: Điểm mấu chốt là nhiều nông dân không thể phát triển và tạo ra các hoạt động gia tăng giá trị cho chính họ bao gồm xuất khẩu, nghiên cứu thị trường, và mở rộng thị trường mới. Các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. 

Theo nghiên cứu chúng tôi đã thực hiện với các doanh nghiệp gia đình kinh doanh thành công trên thế giới, một khía cạnh chính được nhận thấy là tầm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về giá trị và chất lượng sản phẩm của công ty. 

Có thể lấy ngành cà phê Việt là một dẫn chứng và nên cân nhắc áp dụng cách tiếp cận tương tự. Các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng ham học hỏi đều muốn có kiến thức trực tiếp và tiếp xúc với “nguồn gốc” của sản phẩm, trong trường hợp này là những người trồng cà phê.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cần hiểu rằng việc tạo điều kiện cho nông dân phát triển các hoạt động gia tăng giá trị cần có cơ sở hạ tầng và các chi phí khác. 

Ví dụ, nếu nông dân muốn phát triển một nông trại du lịch, rõ ràng sẽ phát sinh rất nhiều chi phí liên quan. Tuy nhiên, nếu hoạt động nông nghiệp gắn với du lịch hoặc các hoạt động giá trị gia tăng khác được phát triển (đơn cử như mở quán cà phê, thiết bị đóng gói…), các nhà hoạch định chính sách có thể đánh giá tiềm năng của cách làm đó trong cộng đồng, để các nỗ lực sẽ được thực hiện theo hướng có lợi cho nhiều người chứ không chỉ cho một doanh nghiệp.

Các hoạt động gia tăng giá trị có thể giúp nhiều nông dân thay đổi tư duy, từ hành vi chỉ sản xuất cho đơn vị trung gian/nhà phân phối đến trở thành những chủ doanh nghiệp siêu nhỏ.

Bên cạnh chuyện tạo chuyển biến tư duy cho nông dân, khả năng ứng phó với khủng hoảng Covid-19 hiện nay bằng các nỗ lực phát triển kênh phân phối, kết nối tiêu thụ và gia tăng giá trị có phải là nhiệm vụ tối ưu đối với ngành hàng nông sản Việt?

Ts. Vũ Thị Kim Oanh: Điều này hoàn toàn đúng. Kiểm soát chuỗi cung ứng càng chặt chẽ sẽ càng mang lại lợi ích cho nông dân Việt nhiều hơn là chỉ sử dụng một kênh kinh doanh duy nhất (ví dụ chỉ sản xuất khối lượng lớn). 

Mặc dù việc gia tăng giá trị là không thực tế đối với nhiều nông dân, nhưng có những người khác vì những lý do khác nhau (ví dụ: gần thị trấn, đường giao thông, cơ sở lưu trú/nhà hàng hoặc nhà máy đóng gói) có thể mở rộng đa dạng hoá và gia tăng giá trị.

Việt Nam cần sự nỗ lực gấp đôi để thuyết phục và lôi kéo những người tiêu dùng nông sản khó tính nhất. Dịch Covid-19 đã làm cho nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến. Vì vậy, khoảng cách giữa những người nông dân có thể vận chuyển nông sản của họ và người tiêu dùng cuối cùng đang giảm dần. 

Thực sự, chúng ta đã gặp rất nhiều doanh nghiệp đã và đang xuất khẩu trực tuyến. Ngoài ra, các hợp tác xã cũng có thể có lợi khi tập hợp những nhà nông cùng quan tâm đến việc phát triển hợp tác xã của họ hơn nữa. Bán hàng trực tuyến nên được tìm hiểu và cân nhắc thêm. Và đây cũng chính là lúc các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ và tạo dấu ấn riêng của họ.

Để đảm bảo chuỗi giá trị nông sản Việt đi theo các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, người nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp nên tiếp tục có những hành động cụ thể gì?   

Ts. Abel Alonso: Rất đơn giản và dễ hiểu, bạn không bao giờ được làm sai. Bạn có thể dễ dàng thấy có thể gây tổn hại như thế nào đối với hình ảnh thương hiệu của cả một quốc gia khi gửi nhầm một lô hàng. Bạn sẽ cần nhiều năm để sửa đổi và thoát khỏi sự kỳ thị và danh tiếng xấu do chất lượng kém hoặc sản phẩm nhiễm thuốc trừ sâu.

Chúng tôi có thể đưa một ví dụ trong ngành mật ong, một lô hàng có dấu vết của thuốc trừ sâu đã khiến người ta ngừng mua mật ong từ quốc gia đó. 

Để không bao giờ phạm sai lầm, bạn cần có những cuộc đánh giá và tư vấn nghiêm ngặt cũng như sự nhất quán trong các cuộc đánh giá này. Chúng tôi nhớ đã tiến hành nghiên cứu về những nhà chăn nuôi gia súc ở Nam Mỹ và tham dự các cuộc họp của ngành, nơi các quan chức, đại diện và chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đưa ra các khuyến nghị để các sản phẩm thịt địa phương đáp ứng điều kiện và yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ. 

Mặc dù những hiểu biết chuyên môn như vậy có thể đã có rất nhiều ở Việt Nam, nhưng cần có sự giám sát và đảm bảo chất lượng liên tục về chất lượng và tính nhất quán của chất lượng nông sản: Bạn không bao giờ được hạ thấp cảnh giác. 

Tiếp theo, nông dân cần được động viên và khen thưởng để “làm điều đúng đắn”, sản xuất nông sản chất lượng cao và an toàn, càng không có thuốc trừ sâu càng tốt. Hơn nữa, tất cả việc sử dụng thuốc trừ sâu có độc tính cao hoặc các sản phẩm khác có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tính an toàn và chất lượng của sản phẩm đều cần được loại bỏ. 

Việt Nam hiện đang hướng đến một nền nông nghiệp thông minh và tập trung vào giá trị gia tăng. Chúng ta nên có khuyến nghị gì nhằm đưa khoa học công nghệ vào sáng tạo những mặt hàng nông sản mới và thu hút đầu tư công nghệ vào ngành nông nghiệp?   

Oanh-Vu-photo-3-3653-1640252915.jpg

Ts. Vũ Thị Kim Oanh

Ts. Vũ Thị Kim Oanh: Nếu bạn nhìn vào các quốc gia như Đức và Thuỵ Điển, thật đáng chú ý khi họ nằm trong tốp “những nhà xuất khẩu cà phê” hàng đầu thế giới. Làm thế nào họ trở thành những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu khi họ không trồng một cây cà phê nào? 

Câu trả lời rất đơn giản, và bạn cũng có thể thấy hiện tượng này xảy ra với cây ca cao như sản phẩm sôcôla của Bỉ hay Thuỵ Sĩ. Đóng gói, phát triển các sản phẩm phụ, tập trung nhiều hơn vào đặc sản và nông sản chất lượng cao cấp nên là hướng đi cho nông nghiệp Việt Nam.

Là nhà xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới, Việt Nam đã vươn đến “vị thế chín muồi”, và nên theo đuổi các hoạt động gia tăng giá trị tích cực hơn, từ nông sản bản địa cho đến kết hợp du lịch. 

Chắc chắn một điều là công nghệ, thiết bị mới và không ngừng giáo dục người tiêu dùng nông sản quốc tế về giá trị phải là những hoạt động thường xuyên. 

Mặc dù chúng tôi không phải là chuyên gia về công nghệ sản xuất thực phẩm, nhưng chắc chắn, những ví dụ từ Israel hay Hà Lan trong việc sản xuất thực phẩm và gia tăng giá trị là những ví dụ đầy cảm hứng về những gì có thể làm được cho ngành hàng nông sản của Việt Nam.

        Thế Vinh (thực hiện)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết