A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ươm mầm cho những giấc mơ xanh

Cô giáo Phàng Thị Thúy vui đùa cùng học sinh trong những giờ ra chơi. Gần 10 năm qua, cô giáo trẻ Phàng Thị Thúy, Trường Tiểu học Quang Sơn (Đồng Hỷ) đã luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp gieo chữ nơi vùng cao xa xôi. Từng gắn bó với nhiều trường học vùng cao khác nhau, mỗi ngôi trường với những khó khăn, đặc thù riêng nhưng ở cô luôn bừng sáng lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là tình yêu thương vô bờ bến dành cho học sinh như chính những đứa con của mình.

Gặp cô Phàng Thị Thúy ngay khi cô vừa trở về từ Lễ tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương lần thứ I năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18-11 vừa qua, trên gương mặt cô giáo trẻ người dân tộc Mông vẫn đong đầy niềm vui, niềm hạnh phúc và sự tự hào mình là một giáo viên.

 Khi được hỏi nhân duyên đến với nghề, cô Phàng Thị Thúy chia sẻ: Em sinh ra và lớn lên tại xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em đã ước mơ sẽ trở thành giáo viên và luôn tâm niệm: "Vì thiếu cái chữ, người Mông mình khổ nhiều rồi. Vì vậy bản thân muốn truyền đạt đến với đồng bào rằng, chỉ có học mới là chìa khóa để giúp có cuộc sống ấm no hơn".

Đó là động lực mãnh liệt để năm 2006, Thúy trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Sau khi tốt nghiệp, năm 2009 Thúy đã được nhận công tác tại Trường Tiểu học Thèn Sin, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Năm 2011, cô lập gia đình và theo chồng về sinh sống tại xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), đồng thời chuyển công tác về Trường Tiểu học Quang Sơn. Ngay khi chuyển về đây, cô Thúy đã được phân công giảng dạy tại điểm trường Lân Đăm, một trong những điểm trường còn nhiều khó khăn với 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông.

Cô Thúy nhớ lại: Vào khoảng những năm 2015-2016, các em học sinh nơi đây bỗng nhiên nghỉ học hàng loạt. Đó là khó khăn không chỉ của riêng tôi mà là nỗi lo chung của các thầy cô tại điểm trường. Tìm hiểu nguyên nhân, tôi nhận thấy do ngôn ngữ phổ thông hạn chế nên khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh chậm, thêm vào đó còn nhiều phụ huynh không mặn mà với việc cho con em tới lớp. Nhìn các em, tôi lại như thấy mình cùng đám trẻ trong bản khi con nhỏ, nghĩ đến cuộc sống cơ cực mà các em có thể phải gánh chịu vì thiếu “cái chữ” như bao người dân quê mình. Cô Thúy cùng đồng nghiệp đã không quản nhọc nhằn, bất kể ngày mưa, ngày nắng hay đường xá đi lại xa xôi, vất vả tới tận nhà từng học sinh thuyết phục phụ huynh cho các em tiếp tục đi học.

 Ban đầu, hầu hết các phụ huynh không những không đồng ý, mà còn “mắng mỏ” Thúy và các thầy cô khác. Song không vì thế mà cô Thúy và đồng nghiệp bỏ cuộc. Cô không nhớ nổi đã đến nhà các em bao nhiêu lần, cứ đến “bị đuổi” lại về hôm sau lại đến. Cứ như vậy, kiên trì trong một tháng, dần dà các phụ huynh đã nghe cô và các thầy cô giải thích, động viên. Kết quả, học sinh đã quay trở lại lớp đầy đủ và lớp, trường duy trì được sĩ số từ đó đến nay.

 Bằng tình yêu, nhiệt huyết của mình cô Thúy đã chiếm trọn tình cảm, niềm tin của phụ huynh cũng như các em học sinh. Tôi khẳng định như vậy là bởi, trong giờ ra chơi ở điểm Trường Lân Đăm, tôi đã hỏi các em: “Các em thấy cô giáo của mình như thế nào?”. Lũ trẻ nhao nhao bằng cái giọng lơ lớ ngồ ngộ: Em rất thích cô Thúy; em yêu cô Thúy…”. Trong đám nhóc ấy, một vài cánh tay giơ rất cao như muốn “phát biểu”. Em Dương Thị Dặm, học sinh lớp 4 tỏ ra bạo dạn: “Cô Thúy giảng bài rất dễ hiểu, em rất thích học môn học của cô”; một cánh tay nhỏ xinh khác, là em Dương Thị Bích, học sinh lớp 5: “Giờ ra chơi cô Thúy rất hay dạy chúng em hát và kể chuyện cho chúng em nghe nên em rất thích”…

Ngoài việc dành nhiều thời gian cho dạy học và chăm lo cho học sinh cô giáo Phàng Thị Thúy cũng luôn cố gắng, nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, nhờ đó đã trở thành một trong những giáo viên tiêu biểu, xuất sắc của trường; nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi các cấp. Cô Thúy được Nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ 2 (gồm giáo viên 9 môn và giao viên chuyên), giáo viên chủ nhiệm lớp 3,4,5 (lớp học ghép) và là ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường. Cô Đặng Thị Thùy Dung, một giáo viên cùng dạy tại điểm trường Lân Đăm nhận xét: “Chị Thúy là người tận tình, luôn tâm huyết với nghề và cô yêu các em học sinh như con. Chị còn có khẳ năng truyền cảm hứng, cổ vũ những người xung quanh”.

Điểm trường Lân Đăm, Trường Tiểu học Quang Sơn hiện có 13 học sinh tiểu học với đầy đủ các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5 và được chia làm 2 phòng học ghép cùng với đó còn có 1 lớp học mầm non. Để nâng cao chất lượng dạy và học, các giáo viên tại điểm trường cũng như cô Phàng Thị Thúy thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các giáo viên trong và ngoài Nhà trường. Dù ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhưng không muốn học sinh của mình phải thua thiệt, các thầy cô luôn cố gắng tạo ra những đổi mới tích cực trong phương pháp dạy để thu hút học sinh. Cô Thúy nói: Tô đã thực hiện được một nửa ước mơ của mình là trở thành cô giáo vùng cao. Nửa ước mơ còn lại là dùng những năm tháng trên bục giảng để thắp lên mong muốn đến trường, đi học của các em học sinh. Tôi muốn giúp các em thực hiện ước mơ của mình, giống như bản thân đã làm từ ngày còn thơ bé.

Khó khăn với các em học sinh cũng như giáo viên điểm trường Lân Đăm chắc chắn còn nhiều nhưng tấm lòng người giáo viên luôn tận tụy yêu thương học sinh hết mực như cô giáo Phàng Thị Thúy sẽ là nguồn động lực thúc đẩy, nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ, giúp các em tự tin, vững bước trên con đường tương lai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan