A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cho vay kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 18,47%

Tín dụng kinh doanh bất động sản tính tới cuối tháng 6/2025 chiếm 18,47%. Sự tăng trưởng này một phần đến từ việc các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai sản phẩm tín dụng ưu đãi dành cho người thu nhập thấp.

Theo số liệu vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Trong đó, tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng hơn 23%, lĩnh vực xây dựng chiếm 5,53%, bán buôn bán lẻ chiếm 23,74%, kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%...

Có thể thấy, sự khởi sắc trong tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã lập tức lan tỏa đến bất động sản, lĩnh vực từng bị xếp vào “vùng rủi ro cao” và chịu nhiều dè dặt từ các ngân hàng. Đáng chú ý, phân khúc nhà ở xã hội vốn từng rơi vào thế bị bỏ ngỏ nay đã bắt đầu thu hút dòng vốn trở lại. Tính tới giữa tháng 5, số tiền giải ngân cho vay nhà ở xã hội từ gói 120.000 tỷ đồng đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, tương đương 2%. Trong số này, khoảng 2.940 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư tại 21 dự án, còn lại là người mua nhà. Riêng 4 tháng đầu năm nay, số tiền giải ngân đạt hơn 550 tỷ đồng.

-9288-1752041679.jpg

Tính đến cuối tháng 6, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%.

Các ngân hàng thương mại liên tục công bố các gói vay ưu đãi nhằm bắt nhịp nhu cầu mua nhà, đặc biệt trong nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp.

Đến nay, một loạt ngân hàng thương mại đã gia nhập cuộc đua cho người trẻ vay mua ngôi nhà đầu tiên với lãi suất thấp như: MB, ABBank, ACB, LPBank, HDBank, SHB, Eximbank, TPBank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank,...

Thậm chí, một số ngân hàng đưa lãi suất cho vay xuống mức "không tưởng" như Kienlongbank áp dụng mức ưu đãi 0% cho gói vay mua nhà trong 1 tháng, 18 tháng tiếp theo cố định 8,8%, sau đó sẽ thả nổi; hay Eximbank đưa ra lãi suất từ 3,68%/năm, cố định trong 36 tháng cho khách hàng trẻ...

Ngay cả các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như Woori Bank cũng vào cuộc khi tung gói vay lãi suất với lãi suất chỉ từ 3,9%/năm; UOB là 2,75%/năm đối với khách hàng đặc biệt, còn khách hàng bình thường có mức lãi suất từ 5,5%/năm trở lên.

Dù các gói vay ưu đãi mang lại nhiều cơ hội, nhưng một số chuyên gia cho rằng, người vay vẫn đối mặt với rủi ro từ lãi suất thả nổi sau thời gian ưu đãi. Các gói vay đều có điều khoản lãi suất sau ưu đãi được tính dựa trên lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 3,5 - 5% và sẽ dao động ở mức 11 - 13%/năm. Khoản vay mua nhà thường kéo dài trên 20 năm, lãi suất thả nổi, nên gây áp lực tài chính lớn nếu người vay không tính toán kỹ.

Tuy nhiên, gần đây, một số nhà băng tung ra gói lãi suất kéo dài thời gian ưu đãi từ 3-5 năm như: Agribank dành 10.000 tỷ đồng triển khai Chương trình cho vay mua nhà ở đối với khách hàng trẻ tuổi với lãi suất cố định 5,5%/năm trong 3 năm đầu, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng ổn định tài chính.

Tương tự, VietBank cho vay lãi suất chỉ từ 3,99%/năm, thời hạn vay tối đa 380 tháng và miễn trả nợ gốc trong 60 tháng đầu...

Hay như hiện nay, các ngân hàng đang triển khai chương trình tín dụng mới hướng đến người trẻ như gói vay dành riêng cho người dưới 35 tuổi, góp phần giải bài toán an cư lạc nghiệp cho lực lượng lao động trẻ, nhất là tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng… với lãi suất ưu đãi kéo dài trong 5 năm đầu.

Theo nhận định của các chuyên gia, chính sách áp dụng lãi suất cố định trong thời gian dài mang ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp khách hàng yên tâm vay vốn, giảm áp lực trả nợ khi hết thời gian ưu đãi.

Thực tế không ít người băn khoăn về mức lãi suất ưu đãi hiện nay. Anh Nguyễn Cảnh Toàn, Hà Nội cho biết: "Đang có nhu cầu mua nhà, khảo sát tại nhiều ngân hàng, tôi nhận thấy gói vay hiện tại chỉ áp dụng trong thời gian từ 3-6 tháng. Đó là điều tôi khá băn khoăn. Tuy nhiên, khi tham khảo mức lãi suất cho vay của KBank có mức lãi suất ưu đãi kéo dài tơi 3 năm. Đối với người mua nhà, 3 năm là khoảng thời gian đủ dài để ổn định công việc, tài chính và làm quen với kế hoạch trả nợ mà không phải lo lắng về rủi ro lãi suất thả nổi có thể tăng đột ngột. Sự ổn định này chính là "mỏ neo" vững chắc giúp người vay tự tin hoạch định tương lai tài chính của mình”.

Nhiều chuyên gia đánh giá, hiện thời gian cho vay được các ngân hàng đưa ra đã hợp lý, từ 10-20 thậm chí lên đến 35 năm. Cùng với mức lãi suất ưu đãi nên kéo dài ít nhất từ 3-5 năm sẽ là "đòn bẩy" giúp thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2025 được đánh giá là tương đối tích cực khi mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện...

Theo báo cáo tài chính của các nhà băng, tín dụng bất động sản tiếp tục giữ vị trí then chốt trong danh mục cho vay của các ngân hàng. Triển vọng thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2025 được đánh giá là tương đối tích cực khi mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện...

Dù các ngân hàng đều có chiến lược phân bổ tín dụng theo định hướng kinh doanh và giải pháp quản lý rủi ro, song các chuyên gia cảnh báo nếu tỷ trọng tín dụng dành cho bất động sản quá lớn và kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực dành cho các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Vì vậy, các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay các gói tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững như gói 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược; gói tín dụng cho vay nông lâm nghiệp; đẩy mạnh cho vay xuất khẩu...

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết