A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các tỉnh miền Trung: Nắng nóng kéo dài, đồng ruộng nứt nẻ, cá chết, hồ đập trơ đáy

Các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh tiếp tục hứng chịu nắng nóng khốc liệt kéo dài cả tháng qua. Nhiều nơi ruộng đồng nứt toác, hồ chứa trơ đáy, cá chết, cây khô héo.

Khô hạn- nguồn nước phụ thuộc vào thời tiết

Tại xã Hương Trà - vùng trồng chè lớn ở huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), người dân cũng như đang ngồi trên “đống lửa" do nắng nóng kéo dài, nhiều ngày qua với nền nhiệt cao khiến 170 ha chè đang vụ thu hoạch tại đây bị ảnh hưởng.

Các tỉnh miền Trung: Nắng nóng kéo dài, đồng ruộng nứt nẻ, cá chết, hồ đập trơ đáy

Nắng nóng khiến nhiều ha chè ở xã Hương Trà đã khô héo, cháy sém, lá rụng đầy gốc.

Chị Nguyễn Thị Lam ở xã Hương Trà cho biết: Gia đình có hơn 20 năm trồng chè trên vùng đất này nhưng chưa năm nào nắng hạn kéo dài khiến chè khô héo, khó phục hồi như vậy. “Gần 1 ha chè đang kỳ thu hoạch thì chết cháy 20-30%, lá và búp chè cháy nên không thể thu hoạch. Mặc dù tìm đủ cách tưới nước chống hạn nhưng cũng khó để cải thiện tình hình...”, chị Lam nói.

Đã hơn một tháng trời không có mưa, chị Lam cũng như các hộ dân ở đây lo lắng khi nguồn nước chính từ đập thủy lợi dẫn về đồi chè đều bắt đầu khô cạn.

Theo người dân địa phương, đập Khe Bắc có dung tích 4.000 khối nước, được Xí nghiệp chè 20/4 đắp lên hàng chục năm trước để phục vụ tưới tiêu cho chè song thời điểm này lượng nước dần cạn kiệt, nhiều vị trí khô cạn, nứt nẻ.

Ông Phan Kỳ - Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, nắng nóng kéo dài, một số hồ đập trên địa bàn đã cạn, việc cung ứng nguồn nước tưới đảm bảo chống hạn cũng gặp khó khăn. Khiến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn bị thiếu nước như xã Lộc Yên, Hương Thủy, Điền Mỹ. Với các vùng trồng chè hoặc cây đặc sản cam, bưởi…nắng nóng cũng khiến nhiều diện tích chịu ảnh hưởng lớn, sản lượng giảm sút.

Tại Nghệ An, thời gian qua, nắng nóng kéo dài khiến nhiều hồ, đập ở các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Yên Thành, Đô Lương… khô cạn.

Các tỉnh miền Trung: Nắng nóng kéo dài, đồng ruộng nứt nẻ, cá chết, hồ đập trơ đáy

Cánh đồng mới gieo cấy ở xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên) đã khô cằn, nứt nẻ.

Những ngày đầu tháng 7, người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên đứng ngồi không yên vì đồng ruộng gần sông nhưng lại không thể bơm tưới cho lúa hè thu mới gieo cấy. Phần vì lượng nước không dồi dào nhưng nguyên nhân chính là do nước bị nhiễm mặn, nếu bơm vào sẽ khiến lúa bị chết.

Nắng như đổ lửa làm nguồn nước cạn kiệt, trạm bơm dẫn nước vào kênh không thể hoạt động. Hơn một tháng kể từ ngày bà con xuống sạ vụ hè thu, lúa bắt đầu đến giai đoạn phát triển thì gặp đúng đợt nắng nóng.

"Nước kênh cạn kiệt, trời có mưa nhưng chỉ vài trận rất ngắn, không đủ thấm đất cộng thêm nắng gắt lại tiếp tục kéo dài, lượng nước cung cấp nhanh chóng bị bốc hơi, cánh đồng trở nên khô nẻ. Nếu thời tiết nắng nóng còn kéo dài thêm mấy ngày nữa chắc lúa sẽ chết héo hết", bà Nguyễn Thị Hoa - 50 tuổi, ở xã Châu Nhân than thở.

Các tỉnh miền Trung: Nắng nóng kéo dài, đồng ruộng nứt nẻ, cá chết, hồ đập trơ đáy

Nguồn nước cạn kiệt khiến cá bị chết khô ở hồ chứa nước ở xã Lý Thành (H.Yên Thành).

Vụ mùa này, gia đình bà Hoa làm 8 sào lúa hè thu, từ đầu vụ đến nay mới bơm được 1 lần nước, sau đó nước sông Rum và sông Lam dần cạn kiệt, việc tiếp nước bị ngưng trệ. Đến nay lại xuất hiện thêm tình trạng nhiễm mặn nặng nên càng không thể bơm tưới cho lúa. Bà con đều bất lực vì không có cách nào khác cứu lúa. Nỗi lo mất mùa hiện hữu trước mắt với gia đình bà.

Không riêng gì gia đình bà Hoa, hầu hết những thửa ruộng ở khu vực này đều chung tình cảnh khô hạn do xa sông và kênh mương, nguồn nước tưới phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Huy động lực lượng 24/24h - giảm thiểu thiệt hại

Để giảm thiểu thiệt hại, theo các cán bộ thuỷ lợi ở xã Châu Nhân, hiện các trạm bơm huy động lực lượng 24/24h để bơm nước cứu diện tích lúa giữa cánh đồng nứt nẻ.

Các tỉnh miền Trung: Nắng nóng kéo dài, đồng ruộng nứt nẻ, cá chết, hồ đập trơ đáy

Nhiều cánh đồng ngô trên địa bàn các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Yên Thành... bị khô cháy dưới cái nắng nóng gay gắt kéo dài trong nhiều ngày qua.

Được biết, Trạm bơm Hưng Châu có 6 tổ máy trục ngang và 8 tổ máy trục đứng, phụ trách tưới tiêu cho gần 1.000 ha lúa tại các xã ven đê huyện Hưng Nguyên. Hiện nay, các nhân viên trạm bơm đang tranh thủ từng giờ để bơm nước cứu lúa vì việc nồng độ mặn sụt giảm chỉ là nhất thời. Nếu thời gian tới tiếp tục nắng gắt, không có mưa thì việc nước tái nhiễm mặn hoàn toàn có thể xảy ra.

Nắng nóng kéo dài cũng ảnh hưởng mạnh đến địa bàn huyện Đô Lương. Ông Trần Ngọc Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đô Lương cho hay: Huyện có 122 hồ chứa, hầu hết đều khô cạn, hiện toàn huyện đang còn trên 100 ha không thể gieo cấy do thiếu nước. Do hồ chứa cạn kiệt nước nên hiện có 2.000/3.000 ha lúa vùng hồ chứa bị hạn nặng, nếu trong mấy ngày tới không mưa sẽ nguy cơ bị mất mùa. Nhiều hồ chứa ở huyện Đô Lương cạn trơ, khiến cá chết hàng loạt ở lòng đập Và, xã Thuận Sơn, Đô Lương.

Tính đến nay, tỉnh Nghệ An đã gieo cấy được hơn 70.000/110.000ha lúa hè thu và vụ mùa, trong đó phần lớn là lúa hè thu. Do nhiều nơi chưa có nước, nên bà con các huyện miền núi chưa thể làm đất gieo cấy lúa vụ mùa được.

Các tỉnh miền Trung: Nắng nóng kéo dài, đồng ruộng nứt nẻ, cá chết, hồ đập trơ đáy

Để cứu hạn cho lúa hè thu, nhiều địa phương phải lập trạm bơm dã chiến, bơm chuyền nước từ lòng hồ ra. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Trước tình hình hạn hán diễn ra khắp nơi, mới đây tại các xã miền núi ở huyện Nghi Lộc phải lập trạm bơm dã chiến, bơm chuyền nước từ lòng hồ ra. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc, toàn huyện hiện có 80 hồ chứa, trong đó có 8 hồ chứa do đơn vị thuỷ lợi quản lý, số hồ còn lại hầu hết nguồn nước cạn kiệt, nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài, trong khoảng 10 ngày tới sẽ có một số vùng phải bơm nước từ lòng hồ để cứu lúa.

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, những ngày qua tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có các đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày phổ biến 35 - 38 độ C, có nơi lên đến 39-40 độ C. Thời gian nóng trong ngày kéo dài 10 - 18 giờ đồng hồ.

Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, địa bàn tỉnh có 1.061 hồ chứa; trong đó, địa phương quản lý hơn 959 hồ. Hiện nay, do nắng nóng kéo dài nên có 168 hồ, đập có dung tích đạt dưới 30% thiết kế; trong đó, 19 hồ ở mực nước chết, dẫn đến tình trạng có nhiều diện tích lúa ở vùng hồ chứa khô cạn, tập trung ở các địa phương: Đô Lương, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành ...
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan