Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng
Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/tháng. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường bán buôn bán lẻ trực tuyến.
Quy mô doanh thu B2C vượt mốc 25 tỷ USD
Chiều ngày 25/12, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo phát triển kinh tế số ngành Công Thương với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ”.
Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ” thu hút sự quan tâm của chuyên gia, doanh nghiệp |
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - đánh giá: Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô doanh thu B2C vượt mốc 25 tỷ USD.
“Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.
Số liệu khảo sát, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/tháng. Với thị trường gần 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, gần 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn. Trong số này, các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và doanh nghiệp bán lẻ đang chiếm 3,91% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh và 3,19% tổng số lao động; doanh thu của 208.995 doanh nghiệp bán buôn chiếm khoảng 27,60% và khoảng 8,76% tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực bán buôn.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của bán buôn, bán lẻ trong phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. Do đó, việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ và cần được đẩy mạnh theo hướng đưa toàn bộ hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn.
Cùng thảo luận về vấn đề này, giới chuyên gia và nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số có chung nhận định, chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang làm thay đổi nhanh chóng cách người tiêu dùng tham gia mua sắm. Mua hàng online, thanh toán online và kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên môi trường điện tử đã dần trở thành tác vụ quen thuộc trong cuộc sống hiện đại.
Tăng cường chuyển đổi số để phát triển kinh tế số
Thông tin tại hội thảo, Ban tổ chức cho biết, nhằm giúp doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh chuyển đổi số, tháng 9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chọn quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) là nơi triển khai thí điểm hoạt động chính của Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số.
Mục tiêu của chương trình là lựa chọn và huy động được các nền tảng số xuất sắc tham gia, với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh; 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc được tiếp cận, tham gia khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số; 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ đã tham gia khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số trên toàn quốc được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số; tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu về chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh những thuận lợi, chia sẻ tại hội thảo, nhiều ý kiến cho biết, doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn trong chuyển đổi số, như chi phí mua phần mềm, doanh nghiệp nhỏ ngại chuyển đổi; thiếu sự phối hợp với cơ quan chức năng…
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, bà Đỗ Nhật Uyên - Công ty Misa - cho rằng, cần có kế hoạch, lộ trình triển khai rõ ràng; thành lập các tổ liên ngành giữa chính quyền và nhà cung cấp để thuận lợi trong quá trình chuyển đổi tới doanh nghiệp…
Để khắc phục khó khăn tồn tại từ những đơn vị thí điểm, nhiều khuyến nghị đưa ra: Các doanh nghiệp hỗ trợ triển khai cần tăng cường sự gắn kết giữa công tác quản lý các cấp và doanh nghiệp với cửa hàng địa phương. Đồng thời, thay đổi phương pháp tiếp cận bằng việc tổ chức tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn, vận động tham gia từ các đoàn thể địa phương, các vị trí trực tiếp làm việc với địa bàn tại từng khu phố (ví dụ: tổ trưởng tổ dân phố, các đoàn hội...) để tăng sự tin cậy, tạo lòng tin cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp khi tham gia trải nghiệm với các hoạt động của chương trình...
Thêm thông tin đáng chú ý tại hội thảo, sau thời gian triển khai thí điểm hỗ trợ bán buôn, bán lẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương đã thống nhất hợp tác để phối hợp với các địa phương, nhà cung cấp giải pháp triển khai mở rộng trong năm 2025.
Nhằm triển khai mở rộng mô hình tại các doanh nghiệp, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp và thúc đẩy triển khai với Bộ Thông tin và Truyền thông các nhiệm vụ tại Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 về Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 -2025. |