Tháo gỡ điểm nghẽn tài chính – Tiếp sức doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Tại Việt Nam, đã có nhiều nhiều doanh nghiệp lớn chủ động đầu tư công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại, tài chính xanh vẫn là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm quá trình chuyển đổi. Trong khuôn khổ Diễn đàn “Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức cùng sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) các chuyên gia đã đưa ra hàng loạt vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh
TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược – nhấn mạnh: “Khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn xanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp cả nước.” Chi phí đầu tư ban đầu cho các sáng kiến xanh rất cao, trong khi chu kỳ hoàn vốn kéo dài từ 5 – 10 năm, vượt quá khả năng của các khoản vay ngắn hạn hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – thẳng thắn cho rằng: hệ sinh thái tài chính xanh ở Việt Nam chưa hoàn thiện. Thiếu hành lang pháp lý, chưa có tiêu chí phân loại rõ ràng cho các dự án xanh, cùng sự hạn chế về nhân lực chuyên môn tại các ngân hàng là những rào cản lớn trong việc thẩm định và cấp tín dụng xanh.
Đề xuất giải pháp: Từ khung pháp lý đến bảo lãnh tín dụng xanh
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Minh Khôi – Giám đốc Chương trình, Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu – đề xuất Việt Nam cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh quốc gia. Quỹ này sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn dài hạn mà không cần tài sản thế chấp.
Ngoài ra, cần rà soát lại chính sách thuế nhập khẩu cho công nghệ xanh, đẩy mạnh ứng dụng blockchain và các hệ thống truy xuất nguồn gốc như TWIN, EUDR; đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho các startup và dự án đổi mới sáng tạo xanh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng đề xuất sớm ban hành danh mục phân loại xanh, giao cơ quan độc lập thẩm định dự án, và có chính sách khuyến khích phát triển thị trường tín chỉ carbon, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng, giao thông xanh và khai khoáng sạch.
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số – dữ liệu và chuyển đổi số là nền tảng không thể thiếu trong tiến trình xanh hóa doanh nghiệp. “Dữ liệu chính là năng lượng mới của nền kinh tế. Doanh nghiệp cần đầu tư bài bản vào hạ tầng số để giám sát phát thải, tối ưu quy trình và thực hiện quản trị ESG hiệu quả,” ông Giang nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Quốc Việt – Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội – cho rằng: FDI đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh. Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm quyền tài sản và minh bạch chính sách để thu hút dòng vốn xanh chất lượng cao. Quan trọng hơn, chính sách cần được thiết kế sát thực tế, gắn với nhu cầu doanh nghiệp và được thực thi hiệu quả trên thực địa.
Chuyển đổi xanh không chỉ là cơ hội mà còn là yêu cầu sống còn với doanh nghiệp trong thời đại kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nếu không tháo gỡ điểm nghẽn về tài chính, xây dựng khung chính sách đồng bộ và hệ sinh thái hỗ trợ đầy đủ, con đường này sẽ tiếp tục đầy chông gai.