A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mất việc tăng cao, nhiều người lao động rút BHXH một lần

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, năm 2021 có hơn 800.000 lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tương đương với năm trước. Đây là thực tế đáng lo ngại sau 2 năm liên tiếp chịu tác động của đại dịch.

Theo các chuyên gia, tình trạng rời khỏi lưới an sinh không phải là mới, nhưng đã tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch. Thống kê từ năm 2016 - 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần. "Cứ hai người tham gia BHXH thì có một người rời đi", Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê.

images1680633-IMG-4959-9762-1643099540.g

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều người lao động mất việc và phải rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống.

Riêng năm 2020 lần đầu tiên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, có 860.741 người chọn hưởng BHXH một lần, tăng trên 6,6% so với năm 2019.

Tính đến hết năm 2021, có gần 16,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng gần 2,6%), khu vực tự nguyện đạt 1,3 triệu người (tăng 19%). Song, số người tham gia chưa xứng với tiềm năng, mới chiếm trên 33% lực lượng lao động.

Chọn rời khỏi lưới an sinh, ngoài nhóm nghỉ việc đủ 12 tháng theo quy định, còn có không ít lao động đã nghỉ việc 2-3 năm. Họ là những người từng lựa chọn bảo lưu thời gian đóng BHXH, nhưng đại dịch kéo dài, mất việc đã khiến nhóm này quyết định chọn hưởng một lần. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến số lượng hồ sơ tăng lên sau thời gian dài cách ly xã hội.

BHXH đã hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 38.000 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong vòng ba tháng, tính từ 1/10/2021. Gần 13 triệu lao động thụ hưởng chính sách với tổng kinh phí hơn 30,7 nghìn tỷ.

Chị Nguyễn Thu Anh, trú tại TP.Thanh Hoá, tính toán sẽ nhận khoảng 30 triệu đồng cho 2 năm 11 tháng đóng BHXH. “Từ đầu năm 2020, dịch bùng phát, nghề hướng dẫn viên du lịch của tôi bị ảnh hưởng nặng nề, công ty cắt giảm nhân sự, tôi phải ở nhà chờ hết dịch để đi làm trở lại. Tuy nhiên, gần 2 năm cầm cự, không thể chờ đợi được nữa, tôi buộc phải rút bảo hiểm để có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống. Đợi đến khi ngành du lịch phục hồi rồi quay lại công ty, tiếp tục đóng BHXH”, chị Thu Anh cho hay.

Lãnh đạo BHXH tỉnh Đồng Nai phân tích, những người rút BHXH một lần đa phần là công nhân trẻ, lương thấp, không có tích lũy. Khi dịch bùng phát, họ gặp khó khăn về tài chính, khó tìm được việc làm mới nên chọn rút bảo hiểm để trang trải cuộc sống. Dự đoán tình trạng này tiếp diễn thời gian tới.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, số người lao động hưởng BHXH một lần tăng trong năm 2021 phản ánh đúng thực tế tỷ lệ người mất việc làm trong năm 2020. Năm trước, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, cắt giảm lao động. Sau 12 tháng nghỉ việc và chưa tìm được việc làm mới, người lao động đủ điều kiện để hưởng BHXH một lần. Trong năm 2021, đa số người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương nên chưa chốt sổ BHXH. Khi sản xuất khôi phục, họ đi làm lại và tiếp tục đóng BHXH. Do đó, năm nay có thể tỷ lệ người lao động rút hưởng BHXH một lần vẫn cao.

Số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý IV/2021 cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm 791.600 người so với năm trước. Trong đó, số lao động có việc làm là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020.

Số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2021 được Tổng cục Thống kê ghi nhận hơn 1,4 triệu người, tăng 370.800 người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,1%, tăng 0,71% so với cùng kỳ năm trước.

Để hạn chế tình trạng này, BHXH Việt Nam cho biết sẽ tích cực tuyên truyền, đề xuất chính sách trong quá trình sửa đổi Luật BHXH sắp tới để giữ chân lao động lại hệ thống an sinh.

Cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi sẽ thiết kế chế độ hưu trí đa tầng - để thu hút lao động tham gia; sửa điều kiện hưởng lương hưu, giảm dần số năm đóng BHXH từ 20 xuống còn 15 năm, tiến tới 10 năm để nhiều người tiếp cận chế độ hưu trí.

Để hạn chế tình trạng nhiều người lao động rút BHXH một lần, chấp nhận từ bỏ lương hưu, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó căn cơ nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện lao động cho người lao động; đồng thời tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí…

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết