A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều đối với 9 luật khác

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) là vấn đề bao trùm rộng lớn hầu hết các lĩnh vực liên quan đến mua bán, tiêu dùng, cần có trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và toàn xã hội. Luật BVQLNTD nên đưa ra các quy định khung để pháp luật chuyên ngành khác cụ thể hóa phù hợp thực tiễn trong từng lĩnh vực.

Ngày 11/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật khác. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung cũng để nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hoá đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thân thiện với môi trường.

Công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều đối với 9 luật khác
Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức buổi họp báo công bố "1 luật sửa 9 luật" được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, việc xây dựng, ban hành luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đơn giản hoá thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

“Sửa đổi, bố sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tăng cường phân quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước”, ông Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.

Công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều đối với 9 luật khác
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại buổi họp báo

Một trong 9 luật được sửa đổi lần này bao gồm Luật Điện lực. Theo đó, để thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Điều 6 của Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 4 để quy định 2 điểm. Thứ nhất, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư, xây dựng. Thứ 2, Nhà nước độc quyền trong các hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia, cây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

Đồng thời, luật cũng bổ sung điểm d1 vào sau điểm d khoản 1 Điều 40 quy định quyền của đơn vị truyền tải điện là được đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, luật cũng bổ sung điểm h1 vào sau điểm h khoản 2 Điều 40 quy định nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện là bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng, trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, trong đó dự kiến sẽ có 3 văn bản quy định chi tiết đối với luật này. 3 văn bản này bao gồm: Nghị định quy định chi tiết khoản 1 Điều 1 và khoản 1 Điều 5 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (khoản 1 điều 1 và khoản 1 điều 5); Nghị định quy định chi tiết về việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ (khoản 7 điều 7); Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (Điều 5 khoản 3).

Thu Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết