A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góp phần giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Lạc Dương có khoảng 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) gốc bản địa, còn lại là hộ người Kinh và các dân tộc khác. Từ khi có Nghị định 78 ngày 4/10/2002 về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách (ĐTCS) khác đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 42% (năm 2002 theo tiêu chí cũ) xuống còn 1,9% cuối năm 2020 (theo điều tra hộ nghèo đa chiều).

Bà Dà Cát K’Grop ở Thôn Păng Tiêng 1 (xã Lát) “theo” nguồn vốn TDCS từ năm 2006 và tự mình chăm sóc 2 ha cà phê luôn xanh tốt

Bà Dà Cát K’Grop ở Thôn Păng Tiêng 1 (xã Lát) “theo” nguồn vốn TDCS từ năm 2006 và tự mình chăm sóc 2 ha cà phê luôn xanh tốt

 

Xã Đưng K’Nớ có 599 hộ, 2.459 khẩu; gồm 6 dân tộc với 94% là ĐBDTTS; kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cà phê, lúa, các loại rau màu... Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 78 đã giúp cho người nghèo và các ĐTCS có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước nói chung và địa bàn xã Đưng K’Nớ nói riêng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) tại xã Đưng K’Nớ đạt 24,1 tỷ đồng/412 hộ vay/11 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). 

Ông Thân Văn Hữu - Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ, cho biết: Từ nguồn vốn TDCS, các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, hộ ĐBDTTS trên địa bàn xã có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, tạo việc làm, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cà phê, lúa, chuối... để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, chung tay hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn xã...

Gia đình ông Liêng Hót Ha Sim gần 10 năm trước là hộ nghèo của xã Lát, được Hội Nông dân xã động viên vay vốn hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lạc Dương 30 triệu đồng để mua phân bón, chăm sóc, cải tạo vườn cà phê. Dần dần, cà phê cho quả tốt và bán được giá, cuộc sống gia đình cũng dần khá lên và có vốn để dành. Năm 2016, gia đình trả vốn hộ nghèo, vay vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 50 triệu đồng để trồng và chăm sóc 3 ha cà phê, chuyển đổi 1 sào cà phê sang trồng đậu Hà Lan, chăn nuôi hơn chục con bò, chưa kể gà, vịt, mua được 1 chiếc máy kéo để chở hàng thuê... 

Mỗi năm, gia đình có thu nhập bình quân 300 triệu đồng. Đầu năm 2017, gia đình ông Ha Sim còn xây dựng được ngôi nhà khang trang, xinh đẹp. Đặc biệt, 3 năm liền (2014-2016) gia đình ông Ha Sim được xã Lát công nhận là hộ nông dân điển hình của xã, được UBND huyện tặng Giấy khen về thành tích sản xuất giỏi và thành tích trong việc thực hiện TDCS tại địa phương. 

Hoạt động TDCS hiệu quả trong 20 năm qua ở huyện Lạc Dương đã giúp 10.282 lượt hộ nghèo được vay vốn với số tiền 183,1 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 2.800 lượt hộ thoát nghèo, với hơn 99,87% tổng dư nợ được thực hiện ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Cụ thể hơn, hiệu qua từ hoạt động TDCS cho thấy trách nhiệm và sự năng nổ, nhiệt thành của các Tổ trưởng Tổ TK&VV. 

Bà Cil Bạch - Tổ trưởng Tổ TK&VV Tổ dân phố Bon Đưng I (Hội Phụ nữ thị trấn Lạc Dương) chia sẻ một số kinh nghiệm trong hoạt động TDCS của các Tổ TK&VV: Đó là, duy trì hoạt động họp tổ theo đúng định kỳ hằng tháng. Thông qua các buổi sinh hoạt, ngoài đôn đốc nộp lãi đúng hạn, các tổ viên còn trao đổi, học hỏi nhau về kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi, đem lại hiệu quả cao với đồng vốn được vay. Công tác họp, bình xét các thành viên vay vốn cần phải được tổ chức công khai tại các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng của tổ, dưới sự chứng kiến và tham gia của Hội đoàn thể và tổ trưởng tổ dân phố. 

Tổ trưởng Tổ TK&VV cần nắm bắt kịp thời các chủ trương chính sách mới về công tác vay vốn thông qua các buổi họp giao ban định kỳ hằng tháng với NHCSXH, kịp thời phổ biến nội dung tới các thành viên trong tổ cùng nắm bắt và hưởng ứng tham gia. Tổ trưởng cũng cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bà con sử dụng vốn đúng mục đích, thu lãi đúng hạn và gửi tiền tiết kiệm theo đúng nghị quyết của Tổ đã đề ra.

Nhờ xác định nguồn vốn TDCS là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện cho người vay vốn phát triển kinh tế gia đình, là nguồn đầu tư căn bản hỗ trợ gia đình trong quá trình thoát nghèo bền vững, các hộ dân, đặc biệt là các hộ ĐBDTTS ở Lạc Dương đã luôn nỗ lực, chịu khó, có trách nhiệm, có sức khỏe, cố gắng vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời, chú trọng việc học hỏi kiến thức và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi... để kịp thời xử lý những tình huống xấu như sâu bệnh, dịch bệnh, diễn biến thất thường của thời tiết...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết