A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ASEAN cần một hệ thống giáo dục hòa nhập

Các chuyên gia nhận định, đây là thập kỷ của sự thay đổi. Đại dịch COVID-19, tình hình xung đột địa chính trị xảy ra gần đây, cũng như biến đổi khí hậu và các tác động của biến đổi khí hậu đã và đang thúc đẩy chúng ta suy nghĩ về những thách thức lớn nhất trong thời đại và đánh giá lại cách chúng ta làm mọi việc. Không loại trừ, ngành giáo dục cũng cần có cái nhìn cứng rắn hơn.

Xây dựng một hệ thống giáo dục hòa nhập là nhiệm vụ của tất cả các nước trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Trong bối cảnh thuật ngữ “hòa nhập” đã và đang nổi lên như một xu hướng lớn trên khắp các khu vực công và tư trong vài năm gần đây, điều này gần như là đã quen thuộc với giới giáo dục.

Giáo dục hòa nhập đòi hỏi sự thay đổi có hệ thống, một thay đổi tổng thể bắt nguồn từ những thay đổi trong tư duy và kỹ năng nhằm đẩy mạnh cảm giác thân thuộc cho tất cả học sinh trong lớp học. Thay đổi có hệ thống đòi hỏi các nguyên tắc về hòa nhập, như hòa nhập toàn bộ hệ thống, vai trò của môi trường thân thiên với học tập, cách điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu của học sinh, sinh viên, phương pháp học tập khác biệt, cũng như thiết kế phổ quát cho chương trình giáo dục...

Có những thay đổi phù hợp, học sinh khuyết tật khi tham gia vào quá trình học tập ở trường sẽ khỏe mạnh hơn về lâu dài, có nhiều khả năng gắn kết tốt với các hoạt động thường nhật của cuộc sống. Trong những lớp học chung, những học sinh bình thường cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích, bao gồm mở rộng kỹ năng, góc nhìn, mở ra những cơ hội hợp tác theo các cách sáng tạo và trực tiếp hiểu quá trình xây dựng một xã hội hòa nhập. Đây chỉ là một số lý do mà mọi chính phủ chúng ta cần thực hiện thay đổi đối với ngành giáo dục càng sớm càng tốt.

Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) được công bố từ năm ngoái chỉ ra rằng, có khoảng 43,1 triệu trẻ em (từ 0 – 18 tuổi) bị khuyết tật về thể chất và/hoặc trí tuệ ở Đông Á – Thái Bình Dương. Nhiều trẻ em trong số này hoàn toàn không được đến trường và dễ bị bắt nạt, bóc lột trong các thị trường lao động phi chính thức và bất hợp pháp. Thêm vào đó, cũng có nhiều nguy cơ khác vẫn đang còn tồn tại bao gồm nạn tảo hôn, bạo lực và nghèo khó.

Trong khi đóng cửa trường học để chống dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học tập của nhiều học sinh, điều này cùng lúc cũng đem đến cho chúng ta cơ hội để suy nghĩ thấu đáo hơn về sự hòa nhập của trường học. Việc đóng cửa trường học đã ảnh hưởng đến 140 triệu học sinh ở Đông Nam Á và 260 triệu học sinh ở Đông Á.

UNICEF ước tính, ít nhất 2,7 triệu trẻ em sẽ không quay trở lại trường học sau dịch, ngoài 35 triệu học sinh ở Đông Á – Thái Bình Dương đã bỏ học. Học sinh khuyết tật nhiều khả năng sẽ tiếp tục nghỉ học sau khi các trường học mở lại hoàn toàn và chính điều này có thể kéo dài chu kỳ nghèo đói.

Tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN đều mong muốn tạo ra một hệ thống giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật, song các nước có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để đạt được tiến bộ trên thực tế.

Bên cạnh những thách thức về giáo dục, một thách thức cơ bản khác nằm ở “trung tâm” của hệ thống giáo dục cũng cần được giải quyết và cải thiện, đó là đào tạo giáo viên. Đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao và nhất quán nhìn chung vẫn là nền tảng của giáo dục hòa nhập.

Cuối cùng, lãnh đạo của mỗi quốc gia có quyền thiết lập cách thức cho sự thay đổi văn hóa theo hướng hòa nhập. Các nhà lãnh đạo phải tự hòa nhập, sử dụng công khai ngôn ngữ hòa nhập và ủng hộ quyền con người của tất cả các thành phần dân cư, bao gồm cả những người khuyết tật.

Cần phải nhận định rõ một điều quan trọng rằng giáo dục hòa nhập là cần thiết ở tất cả các cấp học, từ mầm non đến sau trung học, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Nó là một yếu tố của sự thay đổi để khuyến khích học tập suốt đời và tham gia đầy đủ vào đời sống kinh tế, xã hội và chính trị. Giáo dục hòa nhập không chỉ dành riêng cho người khuyết tật, nó mang đến cơ hội thay đổi cho tất cả học sinh, sinh viên để xây dựng một xã hội dễ chịu và kiên cường hơn.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)


Tags: ASEAN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan