Giảm phát thải khí nhà kính, ngành than lo đời sống của hàng vạn thợ mỏ
Việc xây dựng lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP26 để giảm phát thải khí nhà kính là cần thiết, tuy nhiên điều này cũng đặt ra thách thức cho TKV.
Tại Hội nghị COP26 tổ chức tại Glasgow (năm 2021), Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero) vào năm 2050, trong đó đặt mục tiêu giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính, cũng như xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 70% trong kế hoạch phát triển năng lượng vào năm 2050. Cùng với đó, tại Hội nghị COP28 tổ chức tại Dubai (năm 2023), Việt Nam tiếp tục khẳng định việc cụ thể hóa các mục tiêu đã cam kết về kiểm soát và thực hiện Net-Zero thông qua các kế hoạch cụ thể gồm: Xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022; Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Theo kế hoạch thực hiện JETP, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ triển khai thức đẩy chuyển đổi nhiệt điện than và sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch; phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh…)... Giai đoạn sau năm 2030, không xây mới và loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới năm 2050 đạt mức phát thải từ năng lượng không vượt quá 101 triệu tấn CO2 tương đương, tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt khoảng 80-85% tổng năng lượng sơ cấp. Ngoài những tác động của xu thế phát triển xanh, sạch và xu thế chuyển đổi năng lượng, chiến lược phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) còn chịu tác động trực tiếp bởi các định hướng của Chính phủ về quy hoạch phát triển các lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV. Do đó, các yêu cầu về chuyển đổi xanh và sự chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiến lược phát triển và mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của TKV. Với lộ trình không thể đảo ngược trong việc thực hiện Net-Zero theo cam kết của Chính phủ. |
Ông Nguyễn Mạnh Chuyền – Phó Trưởng ban Môi trường TKV cho biết: Hiện TKV đang phối hợp cùng đơn vị tư vấn triển khai khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá và xây dựng Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của TKV giai đoạn đến năm 2030, định hướng tới 2050 dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2024. Trong thời gian tới, TKV tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên Môi trường cũng như các Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, phối hợp hướng dẫn các đơn vị thành viên triển khai thực hiện công tác kiểm kê và xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Quyết định 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chủ động, tích cực và triển khai việc tính toán, kiểm đếm phát thải, kiểm kê khí nhà kính (KNK) theo quy định của Chính phủ, xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng với biến đổi khí hậu của TKV giai đoạn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050, hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng của TKV về “0” vào năm 2050; tổ chức sớm việc rà soát, nâng cao hiệu quả hấp thụ của các bể hấp thụ KNK thông qua tăng cường công tác trồng cây phủ xanh các bãi thải, các vùng đất trống trên toàn bộ diện tích sản xuất. ‘'Việc xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng để thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 là cần thiết. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ có tác động rất lớn tới đời sống kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng và người lao động nên cần phải có những giải pháp căn cơ, tổng thể, toàn diện và phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng thấu đáo, nhất là trong bối cảnh nước ta thuộc nhóm các nước đang phát triển, có nền công nghiệp và trình độ khoa học, kỹ thuật tương đối thấp so với nhóm các nước phát triển và tiệm cận phát triển”- ông Chuyền cho hay. |
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bên cạnh việc không xây dựng mới nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030, cần có giải pháp công nghệ mới và nguồn nguyên liệu thay thế (Biomass, NH3, Hydrogen...). Bên cạnh đó, để xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng các nhà máy nhiệt điện than cũ đã đầu tư thì cần phải có những giải pháp đồng bộ về công nghệ chôn lấp, thu giữ và tối ưu hóa các bon; phát triển thị trường mua bán trao đổi tín chỉ các-bon, trồng cây phát triển rừng trung hòa các-bon...nhằm duy trì nhiệt điện than hợp lý đến hết đời dự án (trước năm 2050) và hài hòa với khả năng khai thác, cung ứng và dự trữ than nội địa trong nước để không gây lãng phí tài nguyên và các nguồn lực của quốc gia, đồng thời phù hợp với Quy hoạch về tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo ông Nguyễn Mạnh Chuyền, mục tiêu thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” của Việt Nam vào năm 2050 đã tác động mạnh mẽ tới các hoạt động của TKV, đặc biệt là với nhu cầu than của TKV cung cấp cho sản xuất điện trong nước sẽ giảm mạnh sau 2030 và giảm đột ngột giai đoạn từ năm 2045 đến năm 2050 (từ 17,9 triệu tấn năm 2045 về 0 triệu tấn năm 2050 theo quy hoạch tổng thể năng lượng). '‘Đồng thời, tác động rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội cho hàng vạn thợ mỏ; gây khó khăn cho định hướng thăm dò, khai thác, đầu tư mỏ mới; làm giảm hiệu quả kinh tế và sự ổn định phát triển của TKV’'- ông Chuyền khẳng định. Phân tích những khó khăn, vướng mắc chính trong việc thực hiện mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 của TKV, ông Chuyền cho hay, TKV hiện có lực lượng người tham gia lao động trực tiếp lớn với khoảng 97 nghìn người (khối sản xuất kinh doanh than là trên 70 nghìn người). Theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Chính phủ (Quy hoạch TTNLQG), sau 2045 nhu cầu sử dụng than của các ngành công nghiệp nói chung giảm sâu và đặc biệt là sản xuất điện giảm về không. |
Không dừng lại đó, theo đánh giá của TKV những yếu tố trên sẽ tác động ngay đến kế hoạch đầu tư phát triển của TKV trong những năm tới vì để có mỏ đưa vào khai thác giai đoạn 2040 thì công tác thăm dò, đầu tư xây dựng cơ bản phải thực hiện trước từ 15 - 20 năm. '‘Như vậy, những dự án TKV triển khai mới trong giai đoạn tới theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt than cho sản xuất trong nước sẽ phải giảm sản lượng, hoặc đóng cửa sớm trong giai đoạn đến năm 2050 để thực hiện yêu cầu chuyển dịch năng lượng sẽ là một bất cập lớn, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực của nhà nước cũng như không đảm bảo hiệu quả dự án đầu tư trong khi chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để bù đắp, bồi hoàn chi phí thực hiện đầu tư.’'- ông Chuyền chia sẻ. Theo đánh giá, sau năm 2045 sản lượng than khai thác hằng năm vẫn quy hoạch khai thác xấp xỉ 40 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng than cho sản xuất điện bằng 0, các ngành công nghiệp khác cũng phải chuyển đổi sang sử dụng năng lượng khác… Ông Chuyền cho rằng, đây là vấn đề mâu thuẫn rất lớn có tác động đến TKV trong việc định hướng phát triển lâu dài ngành than nói riêng và của cả Tập đoàn nói chung. Hiện nay, lĩnh vực than chiếm tỷ trọng 60-70% doanh thu hàng năm của TKV. Khi thực hiện chuyển dịch năng lượng thì sự ổn định và phát triển của TKV sẽ gặp nhiều khó khăn. |
Là một trong những một trụ cột quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, TKV đồng thời cũng là đơn vị khai thác và sử dụng nhiên liệu hoá thạch (than đá) tỷ trọng lớn trong cả nước. Việc phải đồng thời điều chỉnh sản lượng khai thác than và giảm phát thải ròng khí nhà kính thông qua đầu tư cải tiến, thay thế công nghệ mới là thách thức lớn trong việc đảm bảo hiệu quả kinh tế và sự ổn định, phát triển của TKV trong giai đoạn đến năm 2050. Riêng đối với lĩnh vực sản xuất điện của TKV, ngoài thực hiện mục tiêu Net-Zero thì việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than của TKV đặt ra những thách thức lớn. Cụ thể, công nghệ đốt trộn than - sinh khối/amoniac trên thế giới chưa hoàn thiện, chưa được thương mại hóa; chưa có nhà máy nào ở Việt Nam thử nghiệm đồng đốt nên chưa có đánh giá về tính kinh tế, kỹ thuật cũng như các ảnh hưởng tác động đến môi trường, an toàn đối với thiết bị hiện hữu của các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) và khả năng cải tạo hệ thống thiết bị để đáp ứng việc đốt hỗn hợp đối với các lò hơi PC và CFB. Việc cải tạo, nâng cấp thiết bị, vận chuyển, lưu chứa nhiên liệu (đặc biệt là amoniac)… để có thể chuyển đổi sang đốt hoàn toàn bằng nhiên liệu sinh khối, amoniac là một thách thức lớn về kỹ thuật, chi phí và thủ tục đầu tư các dự án theo công nghệ mới, từ đó có thể đánh giá hiệu quả kinh tế, giá thành sản xuất, giá bán sản phẩm ra thị trường; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ, môi trường, an toàn, cháy nổ, thí nghiệm, hiệu chỉnh,… liên quan đến chuyển đổi nhiên liệu đối với các NMNĐ đốt than vẫn chưa xây dựng và ban hành; trong khi đó việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế quốc dân phải duy trì ổn định và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở mức cao của nền kinh tế trong giai đoạn tới. |
Trong khi đó, liên quan đến khả năng cung cấp nhiên liệu thay thế, hiện việc nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, trữ lượng nguồn nhiên liệu đốt kèm/thay thế (sinh khối/amoniac) đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài… còn rất hạn chế, mới dừng lại ở mức thử nghiệm. Do vậy, việc cung cấp nhiên liệu để thực hiện việc chuyển đổi sang sinh khối/amoniac hoặc đồng đốt than - sinh khối/amoniac đại trà cho các NMNĐ đốt than sẽ gặp nhiều thách thức. Cùng với đó, các quy định có tính chủ trương, định hướng về chuyển đổi nhiên liệu vẫn chưa có các cơ chế, quy định cụ thể để tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện các dự án chuyển đổi nhiên liệu. Ngoài ra, các cơ chế hỗ trợ của Chính phủ các nước “về công nghệ và tài chính” để Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi nhiên liệu cho các NMNĐ đốt than vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu hợp tác, chưa thực hiện được trong thực tế sản xuất đối với các NMNĐ đốt than. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Chuyền, để có thể thực hiện tốt lộ trình phát triển sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050, TKV đề nghị cần sớm ban hành các quy định hướng dẫn, định hướng và chính sách cụ thể về chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn thay thế khác để tạo hành lang pháp lý cho sự chuyển đổi của các NMNĐ đốt than. Tổ chức các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để trung hòa, thu hồi và chôn lấp các-bon, quá đó hình thành cơ sở kỹ thuật triển khai rộng rãi các giải pháp giảm phát thải ròng và trung hòa các-bon theo lộ trình cam kết; hỗ trợ đầu tư cho các dự án chuyển đổi nhiên liệu từ công nghệ cho tới nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng tiến độ theo lộ trình cam kết và yêu cầu về giảm phát thải của các tổ chức quốc tế/khu vực/quốc gia liên quan. Cùng với đó, minh bạch trong tổ chức và xây dựng thị trường các-bon để có sự công bằng trong phân bổ hạn ngạch phát thải. |
Nội dung: Thu Hường Đồ họa: H.T |