Gia Lai: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thách thức
Những năm quan, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được giải quyết.
Xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương giảm hàng năm và vượt mục tiêu đề ra. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, giao thông, đời sống, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm toàn diện, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Lớp học xoá mù chữ trong làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai |
Tổng nguồn vốn ngân sách đã thực hiện phân bổ là 2.183 tỷ đồng, tổng nguồn vốn ngân sách đã thực hiện giải ngân là 998,1 tỷ đồng, đạt 45,7% kế hoạch.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình như kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất đạt thấp so với mục tiêu đề ra; số lượng người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất còn rất lớn.
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, công tác xóa đói, giảm nghèo tuy có nhiều tiến bộ, song tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 17,05% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh, tỷ lệ hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 16,7% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Công tác xóa đói, giảm nghèo tuy có tiến bộ nhưng chưa thật sự bền vững.
Cùng với đó, tình trạng phá rừng, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, tai nạn giao thông,... vẫn còn diễn ra. Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp. Nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của năm 2024 chưa được Thủ tướng Chính phủ cấp về cho tỉnh, nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Nguyên nhân là do địa phương có xuất phát điểm thấp, kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, đời sống sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn; trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; tập quán còn lạc hậu tác động đến sự phát triển ở địa phương.
Nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình do Trung ương phân bổ chậm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện; nhiều nội dung, tiểu dự án và dự án thành phần, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh phải chờ văn bản quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, do đó tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình còn thấp.
Sự phối hợp giữa các ngành, địa phương có lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên. Trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở còn hạn chế.
Tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Vinh Tơr đánh giá cao những kết quả tích cực mà tỉnh Gia Lai đạt được trong việc triển khai Chương trình MTQG 1719.
Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Đời sống văn hoá tinh thần của người đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Vinh Tơr cũng chỉ ra những hạn chế của tỉnh Gia Lai như phối hợp hướng dẫn thực hiện nội dung dự án còn lúng túng trong giai đoạn đầu tổ chức thực hiện; kết quả giải ngân chung của địa phương so với các địa phương còn khiêm tốn.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đề nghị tỉnh Gia Lai rà soát lại báo cáo, biểu mẫu số liệu, sớm chỉ đạo khắc phục hạn chế, hoàn thiện các hồ sơ để sớm chỉ đạo triển khai thực hiện. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ trực tiếp thực hiện Chương trình và các bộ phận có liên quan. Các dự án, công trình triển khai ở dưới cộng đồng phải có bảng hiệu nhận diện. Làm tốt công tác tuyên truyền để người dân cùng tham gia, tăng cường công tác bồi dưỡng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, bảo đảm biên chế về số lượng, chất lượng.
Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai cần tiếp tục quan tâm làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình MTQG 1719.
Tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc, thuộc thẩm quyền của tỉnh thì sớm tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành những Nghị quyết, văn bản để tổ chức thực hiện. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 bảo đảm đúng theo các quy định.