A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới truyền thông trong phát triển năng lượng bền vững

Việc xây dựng một chiến lược truyền thông tổng thể về phát triển năng lượng bền vững là cần thiết trong bối cảnh có nhiều thách thức trong ngành năng lượng.

Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ ra nhiều hạn chế của ngành năng lượng và một trong các nguyên nhân đó là nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức. Từ thực tế đó, việc xây dựng một chiến lược truyền thông tổng thể về phát triển năng lượng bền vững là hết sức cần thiết.

Truyền thông số trong bối cảnh mới

Bên cạnh các mục tiêu phát triển ngành năng lượng nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia cho phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu và cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Hội nghị COP26, cũng như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật qua các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các ngành, lĩnh vực. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55, theo đó yêu cầu “tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp, người sử dụng lao động, người lao động. Đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng”.

Quy hoạch điện - năng lượng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (Ảnh minh hoạ)

Việc xây dựng một chiến lược truyền thông tổng thể về phát triển năng lượng bền vững là hết sức cần thiết. (Ảnh minh hoạ)

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đề ra các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Cuối năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Đây là dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Luật mới cũng đã thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với mọi loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện; thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng...

Xuất phát từ thực tế trên, việc xây dựng một chiến lược truyền thông tổng thể về thị trường năng lượng cạnh tranh, phát triển năng lượng bền vững là hết sức cần thiết, khẳng định tầm quan trọng của truyền thông về chính sách năng lượng, đưa ra định hướng cho các hoạt động truyền thông của ngành năng lượng. Đây cũng là giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu về phát triển năng lượng bền vững của nước ta, trong đó có thị trường năng lượng cạnh tranh.

Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, hướng thông tin, tuyên truyền phải được đẩy mạnh theo cách thức truyền thông số, tận dụng các nền tảng truyền thông số, tăng cường tương tác, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông về năng lượng bền vững.

Thời gian qua, mặc dù công tác truyền thông năng lượng đã đạt được kết quả nhất định nhưng phương pháp, hình thức truyền thông mang tính tuyên truyền, phổ biến chính sách, một chiều; ít chương trình sáng tạo, lan tỏa mạnh; truyền thông đa phương tiện chưa được đẩy mạnh; thiếu tài liệu hướng dẫn có tính định hướng chung cho truyền thông về năng lượng bền vững...

Tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng nhanh, tiết kiệm năng lượng trở thành trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và hướng đến phát triển bền vững. Với vai trò tuyên truyền, báo chí đã góp phần mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó chuyển hóa nhận thức thành hành động và thói quen tiết kiệm năng lượng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng ban Báo Nhân Dân điện tử, trong hành trình hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của đất nước, báo chí đóng vai trò là đơn vị chủ lực trong công tác tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng.

Ông Thanh chỉ ra, những năm qua, với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có sức lan toả mạnh mẽ, giúp cộng đồng biến nhận thức thành hành động, từ hành động trở thành thói quen. Minh chứng là thông qua ngòi bút của mình, các nhà báo, phóng viên đã, đang và sẽ giúp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Báo chí cũng đã phát hiện những điển hình tiên tiến, những sáng kiến trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phản ánh được những khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó giúp các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ cũng như các cấp có thẩm quyền ban hành, điều chỉnh những chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Thanh cho rằng, sự vào cuộc của các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí, truyền thông đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và đem lại kết quả cụ thể đối với từng đối tượng tiêu dùng năng lượng cũng như lợi ích chung cho đất nước. Đáng chú ý, nhiều người dân đã nâng cao ý thức sử dụng năng lượng.

Tăng cường vai trò tuyên truyền của báo chí

Để tăng cường vai trò báo chí trong tuyên truyền về thị trường năng lượng cạnh tranh, năng lượng bền vững, ông Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng, cơ quan quản lý cần chú trọng việc cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục cho báo chí. Cùng với đó, cần đồng bộ hoá nội dung và đa dạng hoá hình thức tuyên truyền như: Xây dựng kế hoạch, các chiến dịch và chương trình tuyên truyền theo cấp độ quy mô, đối tượng, thời gian và nội dung cụ thể cho mỗi cơ quan báo chí; có nội dung trọng tâm, chuyên đề, chuyên mục, dung lượng lớn, thường xuyên; đổi mới hình thức tuyên truyền đa dạng, thích hợp.

Quan trọng hơn cả, hình thức tuyên truyền cần đa dạng hoá và phối hợp hiệu quả các loại hình và thể loại tác phẩm báo chí. Sử dụng nhiều hơn nữa các thể loại báo chí hiện đại, áp dụng các thành tựu công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí. Công tác tuyên truyền cần được cụ thể hóa bằng những nội dung chi tiết, gần gũi và sát thực hơn với người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này còn cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy trì các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững theo hướng có tầm nhìn tổng thể và dài hạn, gắn chặt với chiến lược về quản lý, sử dụng và phát triển năng lượng, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng ưu tiên trong từng thời kỳ và từng thời điểm.

“Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn mang tính thời vụ. Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy trì các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận. Từ đó, thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững.

Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực chuyên ngành đặc thù, cần có kiến thức chuyên môn, vì vậy Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chuyên ngành nên quan tâm việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên làm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền lĩnh vực này, ông Thanh phân tích.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang cùng với Tổ chức USAID phối hợp xây dựng triển khai Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững đến năm 2030; trong đó, chiến lược và kế hoạch truyền thông về năng lượng bền vững sẽ cung cấp định hướng, khung hoạt động và lộ trình cho các hoạt động truyền thông và tiếp cận cộng đồng về các vấn đề liên quan đến năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển năng lượng bền vững.

Đặc biệt sẽ tập trung khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong truyền thông ở lĩnh vực này hiện nay gồm: Sự điều phối và phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện các hoạt động truyền thông về năng lượng bền vững chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách với cơ quan truyền thông báo chí còn chậm; lượng tin, bài truyền thông chủ động từ các đơn vị còn hạn chế.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết