A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần Thơ: Vì sao vẫn thiếu 20 triệu m3 cát?

Mặc dù tỉnh An Giang và Tiền Giang đã hỗ trợ đủ cát phục vụ tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhưng TP. Cần Thơ vẫn thiếu 20 triệu m3 cát.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ Lê Tiến Dũng, hiện nay khối lượng cát chỉ mới phục vụ đủ cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thành phần 2 đoạn trên địa bàn Cần Thơ. Thành phố đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng và một số dự án gặp khó khăn do thiếu cát.

Trong đó, dự án đường vành đai phía Tây và đường tỉnh 923 hiện nay gặp khó bởi chi phí giải phóng mặt bằng và giá vật liệu ngoài tầm kiểm soát, chủ yếu là trượt giá do cát đắp nền.

từ nay đến giai đoạn 2026-2027, Cần Thơ phải có 20 triệu m3 cát

Từ nay đến giai đoạn 2026-2027, Cần Thơ phải có 20 triệu m3 cát (Ảnh minh hoạ).

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thành phần 2 đoạn qua địa bàn Cần Thơ có tổng số 5 gói thầu. Trong đó, 4 gói thầu thi công xây lắp và 1 gói thầu thi công xây lắp hệ thống an toàn giao thông. Hiện nay, đã triển khai thi công đồng loạt 4 gói thầu.

Toàn dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thành phần 2 cần 7 triệu m3 cát, tỉnh An Giang đã cấp mỏ cát ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới với khoảng 2,4 triệu m3 cát đạt yêu cầu thi công cao tốc (đã khai thác hồi giữa tháng 4/2024). Việc tỉnh Tiền Giang cam kết hỗ trợ thêm 4,7 triệu m3 cát, như vậy, dự án đã đủ 7 triệu m3 để các nhà thầu yên tâm thi công. Đến thời điểm hiện tại, vấn đề về cát cơ bản đã được giải quyết nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ tỉnh An Giang và Tiền Giang.

Tuy nhiên, không chỉ có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hiện nay, Cần Thơ còn đang triển khai làm Quốc lộ 91, các tuyến đường tỉnh và rất nhiều công trình giao thông kết nối đường cao tốc với các tuyến đường khác. Tất cả các dự án này đều cần cát san lấp và khối lượng rất lớn. Cho nên, từ nay đến giai đoạn 2026-2027, Cần Thơ phải có 20 triệu m3 cát để làm các công trình giao thông trọng điểm, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ...

Điều đáng lo ngại là ở Cần Thơ không có mỏ cát lớn, không thể khai thác cho san lấp. Ngoài ra, thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông luôn diễn ra, không chỉ có ở mùa khô mà còn diễn ra ở mùa mưa.

Ông Lê Tiến Dũng cũng cho biết, khó khăn hiện nay trên các công trường, nhà thầu chỉ tập trung thi công vào phần cầu, còn phần đường thì phần ra đường thì thi công rất là cầm chừng do nguồn cát đắp nền hiện đang khan hiếm, thành phố Cần Thơ có mỏ nhưng mà cát không đạt chuẩn và hiện nay giá cát tăng gấp đôi so với giá dự thầu.

Trước tình hình thiếu cát, mới đây Bí thư thành ủy TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề xuất Thủ tướng cho thí điểm cát biển, tro xỉ để giải quyết về nhu cầu cát san lấp trong thời gian tới. Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, việc thí điểm sẽ chỉ thực hiện trong phạm vi giới hạn để kiểm soát. Và địa phương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để triển khai thực hiện nếu được phép.

Ông Dương Tân Hiển, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, để đảm bảo tiến độ thi công các công trình, lãnh đạo đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rốt ráo đi tìm nguồn cát. Đặc biệt, thành phố Cần Thơ đã tổ chức đoàn đến Sóc Trăng để tìm nguồn cát. Bên cạnh đó, cũng đã làm việc với Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam để tìm nguồn cát cung cấp cho thành phố Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên về giá cả hai bên vẫn chưa thống nhất được do giá bán còn rất cao.

Theo ông Hiển, giá xuất bán cát tại Campuchia khoảng 200.000 đồng/m3 nhưng quãng đường vận chuyển cát từ Campuchia khi về tới thành phố Cần Thơ và bơm lên thì giá đã đội lên trên 300.000 đồng/m3, vượt dự toán công trình. Thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải cùng với các chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp và liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh trong khu vực như: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng để tham mưu xem xét các nguồn cát.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần do 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng) là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu gồm dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 (Tiền Giang); dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản).

Để đảm bảo tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án theo kế hoạch, nhất là đáp ứng nguồn cung vật liệu xây dựng, cát đắp nền đường cho các dự án, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang, Bến Tre chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, các nhà thầu để hoàn thành các thủ tục, đưa các mỏ vào khai thác cuối tháng 8/2024, đảm bảo cung ứng đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ theo chỉ tiêu được giao (tỉnh Tiền Giang: 9,3 triệu m3, Bến Tre: 5,4 triệu m3).

Cùng với đó, hiện UBND tỉnh Vĩnh Long đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục khai thác mỏ, nâng công suất mỏ để cung ứng 2 triệu m3 còn lại cho dự án Cần Thơ - Cà Mau, hoàn thành trong tháng 7/2024. UBND tỉnh An Giang hoàn thành công tác rà soát, đánh giá trữ lượng các mỏ trên địa bàn và triển khai thủ tục để cung ứng đủ khối lượng cho dự án thành phần 1 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, khẩn trương điều phối khối lượng các mỏ đã cấp cho các nhà thầu đang khai thác phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sang cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, hoàn thành trong tháng 7/2024.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan