Nông dân Nghệ An lắp đèn sưởi chống rét cho vật nuôi
Hiện trên địa bàn tỉnh bắt đầu vào những đợt rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, gây hại cho sức khỏe của đàn vật nuôi. Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, các địa phương đã triển khai nhiều phương án phòng, chống.
LẮP ĐÈN SƯỞI, BỔ SUNG THỨC ĂN CHO VẬT NUÔI
Để duy trì nền nhiệt đủ ấm cho gia súc, gia cầm, các hộ chăn nuôi đều lắp đặt hệ thống đèn sưởi trong chuồng trại. Ảnh: Thanh Phúc
Gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh (bản Na Đười, xã Mậu Đức, Con Cuông) nuôi 20 con lợn rừng, đàn dê 20 con và 300 con gà. Diện tích vườn đồi rộng, thường ngày, gà, lợn, dê đều được thả rông trên các đồi keo. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, do không phòng, chống đói rét cho vật nuôi nên sau đợt rét lợn sút cân, nhiều con dê bị bệnh, chết. Mấy năm nay, anh đầu tư chuồng trại kiên cố, khi có dự báo về các đợt rét đậm, rét hại anh đã lùa dê, lợn về chuồng nuôi nhốt, chuẩn bị sẵn thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết: “Những ngày nhiệt độ xuống thấp, sương mù dày thế này thì dê, lợn, gà đều nhốt chuồng, cho ăn đầy đủ, đến gần trưa mới mở trại cho chúng đi dạo; đến chiều lại lùa về chuồng. Còn những ngày nắng ráo thì nuôi thả là chủ yếu, chúng tự tìm kiếm thức ăn”.
Bổ sung muối khoáng cho gia súc, tăng cường sức chống chọi với thời tiết lạnh giá. Ảnh: Thanh Phúc
Những ngày này, nhiệt độ ở vùng Huồi Hói, xã Châu Phong (Quỳ Châu) xuống thấp, vào sáng sớm nền nhiệt chỉ ở mức 10-12 độ, sương mù dày đặc đến tận 11h-12h trưa mới tan. Do đó, để chống rét cho đàn bò gần 200 con, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một trại bò ở Châu Phong cùng các nhân công của trại đã dọn chuồng trại, lót một lớp rơm dày dưới nền sàn và lắp thêm các bóng đèn sưởi để chống rét cho bò.
Anh Hùng cho biết: “Bò bản địa chống rét rất tốt, thích nghi nền nhiệt nhanh còn loại bò lai, bò 3B chống rét kém hơn, chuồng trại lại nằm giữa đồi, gió dễ lùa vào. Nếu bị nhiễm lạnh, bò gầy rộc đi rất nhanh, dễ bệnh. Do đó, ngoài dùng bạt quây kín, lót rơm làm thảm cho bò nằm tôi còn phải mua thêm 10 dàn bóng sưởi loại dành cho gia súc sử dụng năng lượng từ Bioga để bò không bị rét; bổ sung thêm chất khoáng, rỉ mật trộn vào thức ăn cho bò; tăng cường tinh bột trong khẩu phần ăn hàng ngày cho bò”.
Đồng thời, chủ động nguồn thức ăn dữ trữ cho trâu, bò. Ảnh: Thanh Phúc
Để chủ động ứng phó với các đợt rét, biện pháp được nhiều hộ dân triển khai là di chuyển gia súc chúng từ rừng về nhốt ở chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm, “mặc áo” cho trâu, bò, bổ sung thức ăn tinh bột, thức ăn xanh…
THAY ĐỔI TẬP QUÁN CHĂN THẢ RÔNG
Trước đây, người dân miền núi thường có tập quán thả rông gia súc. Vào mùa rét, do không được chăm sóc nên tỷ lệ gia súc chết vì đói, rét khá cao. Ảnh: Thanh Phúc
Toàn xã Mậu Đức (Con Cuông) có đàn trâu, bò 2.700 con, lợn gần 3.000 con và gia cầm gần 30.000 con, trong đó trên 80% chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Trước đây, tập quán của đồng bào là nuôi thả rông trâu, bò lùa vào rừng, tự kiếm thức ăn, thi thoảng chủ mới vào xem tình hình, bổ sung thêm muối. Đến nay, đất rừng được giao khoán cho các hộ chăm sóc nên tình trạng thả rông gia súc hầu như không còn, do đó, việc chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm được các hộ chủ động hơn.
Bà Nguyễn Thị Việt, công chức địa chính, nông nghiệp xã Mậu Đức cho biết: “Bắt đầu từ tháng 11, chúng tôi đã triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi đến tận từng bản, từng hộ; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các hộ chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn dữ trữ cho vật nuôi; che chắn chuồng trại, đưa gia súc, gia cầm về nuôi nhốt, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do rét đậm gây ra. Hiện 100% các hộ chăn nuôi có rơm tích trữ, 80% hộ trồng thêm cỏ voi làm thức ăn xanh cho trâu, bò, biết sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, vỏ lạc, vỏ đậu nghiền làm thức ăn tinh bột cho trâu, bò”.
Đặc thù của người dân các huyện vùng cao là nuôi thả gia súc tự do trong rừng, vườn đồi. Vào mùa lạnh, nguồn thức ăn cho trâu, bò bị hạn chế, không có nơi che chắn nên trâu, bò nằm sương, nằm rét nên dễ bị nhiễm bệnh, dễ sụt cân và thậm chí đã có nhiều năm, trâu, bò chết rét, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Riêng mùa rét năm 2020, toàn tỉnh có 400 con trâu, bò chết do rét đậm, rét hại. Để chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, trước mùa Đông năm nay, các địa phương đã triển khai nhiều phương án phòng, chống.
Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, cử cán bộ hướng dẫn đến từng hộ chăn nuôi cách che chắn chuồng trại đúng cách, vận động người dân trồng nhiều cỏ voi, tích trữ rơm, rạ sau mùa gặt, không đem đốt bỏ; tổ chức tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn đại gia súc; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi định kỳ, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, đề phòng dịch bệnh xảy ra.
Hiện nay, người dân các huyện miền núi đã dần thay đổi nhận thức. Vào những ngày giá rét, bà con lùa trâu, bò về chuồng và che chắn cẩn thận. Ảnh: Thanh Phúc
Đáng mừng, vài năm trở lại đây, ý thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho vật nuôi đã được nâng lên rõ rệt, hầu hết các hộ gia đình đều đã xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho vật nuôi và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô để bảo đảm nguồn thức ăn cho vật nuôi khi xảy ra rét đậm, rét hại.
“Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho vật nuôi vụ đông-xuân đã được triển khai xuống các địa phương. Thời gian tới, thời tiết diễn biến phức tạp, có thể đi kèm với nhiều đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển đàn vật nuôi, các địa phương cũng như người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, bảo vệ vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất”.
Ông Ngô Đức Quỳnh -Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y