A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đường dài để HTX có được những cánh đồng cơ giới hóa đồng bộ

Hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau đã dần được xóa bỏ trên những cánh đồng nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa. Nhưng làm sao để người dân, HTX tiếp tục đầu tư được máy móc đồng bộ, hiệu quả, thậm chí hướng đến tự động hóa thì vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch (AFT) cho biết Việt Nam hiện đứng nhất, nhì thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu… nhưng lại chưa phổ biến những mô hình cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ trong nông nghiệp khiến nông sản chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Khó cạnh tranh vì chưa cơ giới hóa đồng bộ

Điển hình, mặt hàng cà phê của Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về thị phần xuất khẩu, nhưng giá cà phê xuất khẩu lại rất rẻ, luôn xếp chót bảng trong các nước xuất khẩu. Xuất khẩu giá rẻ thì doanh nghiệp cũng sẽ thu mua cà phê của người nông dân, HTX với giá thấp, nên cuối cùng vẫn là người nông dân, HTX chịu thiệt thòi.

Nguyên nhân của việc này một phần là do chất lượng cà phê của Việt Nam chưa cao vì khâu thu hoạch phần lớn vẫn là thực hiện thủ công bằng sức người, chưa đầu tư nhiều cho máy móc và chế biến sâu. Nhìn sang Brazil, khâu thu hoạch cà phê đã được cơ giới hóa đồng bộ nên chất lượng cà phê luôn được đánh giá cao hơn cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện, Việt Nam cũng đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, xuất tới 70 nước trên thế giới, nhưng việc ứng dụng máy móc, công nghệ vào chế biến chè thành các sản phẩm có giá trị cao hơn (trà sữa, trà đóng chai không đường, trà có bọt…) để xuất khẩu vẫn còn rất hạn chế.

-9446-1716196294.jpg

Muốn ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa như các nước, Việt Nam cần phải có những cánh đồng rộng lớn, tập trung.

Có thể thấy, chỉ có cơ giới hóa mới giúp người sản xuất trực tiếp là nông dân, HTX giảm được chi phí nhân công, giảm giá thành cho nông sản, từ đó tăng lợi nhuận.

Những năm qua, một số HTX đã không ngừng đầu tư máy móc, cơ giới hóa trong sản xuất. Tiêu biểu như HTX Phượng Hoàng Tân Cảnh (Kon Tum) đầu tư máy móc tiên tiến vào chế biến cao Đẳng sâm; HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (Đồng Nai) đã đầu tư hệ thống tời để vận chuyển chuối, máy móc hiện đại để chế biến chuối, sấy chuối phục vụ xuất khẩu...

Thống kê của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho thấy, đến cuối năm 2023, mức độ cơ giới hoá ở một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao. Cụ thể như trong trồng trọt. mức độ cơ giới hóa đã đạt 70 - 100% (làm đất, tưới, bảo vệ thực vật); chăn nuôi đạt từ 55 - 90% (thức ăn, nước).

Với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều HTX thời gian qua đã nghiên cứu, đầu tư hoặc xây dựng kế hoạch đầu tư máy móc, thậm chí nghiên cứu, học tập những mô hình cơ giới hóa từ nước ngoài để áp dụng vào thực tiễn. Vậy nhưng, thực tế chưa như mong đợi của nhiều HTX.

Ví dụ, mô hình thu hoạch nông sản bằng các loại máy tự động, công suất lớn của các nước phát triển vào thực tiễn đồng ruộng tại Việt Nam rất khó khả thi. Bởi theo ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà (Tuyên Quang), máy móc mà các nước có nền kinh tế tiên tiến đang áp dụng đã đạt đến mức tự động, chủ yếu là máy móc to, công suất lớn, đồng bộ 100%. Điều này chỉ phù hợp ứng dụng vào các trang trại quy mô rất lớn. Còn ở Việt Nam, như với diện tích chè của HTX Sơn Trà chủ yếu ở vùng đồi núi nên rất khó ứng dụng máy móc hiện đại, đồng bộ ở tất cả các khâu.

Ông Trần Mai Bình, Giám đốc HTX Hoa Linh Coffee (Lâm Đồng), cho biết khâu thu hoạch cà phê bằng máy móc tự động ở Brazil rất đáng ngưỡng mộ, nhưng thực tế mô hình này có thể chưa hoặc không phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam. Các HTX ở Việt Nam chủ yếu trồng cà phê Robusta, cành to, cứng, diện tích nhỏ lẻ, thói quen hái xanh, địa hình đất dốc nên cần tìm một mô hình cơ giới hóa phù hợp với thực tế của các HTX ở Việt Nam học tập.

Cần chính sách "mở đường"

Theo các chuyên gia, chỉ có nhiều đồn điền, trang trại cây công nghiệp, HTX, công ty có quỹ đất lớn, có nguồn vốn đầu tư hoặc được hưởng lợi từ các chương trình, dự án thì mới có khả năng đầu tư máy móc đồng bộ, hiện đại.

Hiện nay, đa số khu chuyên canh nông sản của các HTX vẫn có tích nhỏ lẻ. Đặc biệt, nhiều vùng trồng, đặc biệt những vùng trồng có diện tích lớn hơn lại ở xa khu dân cư nên thiếu điện 3 pha sản xuất và đường giao thông nên người trồng và nhiều HTX phải tự bươn chải, tự bỏ chi phí đầu tư tất cả các khâu trong sản xuất, gây áp lực rất lớn. Trong khi đó, lợi nhuận từ nhiều mặt hàng nông sản tươi của Việt Nam chưa đáp ứng được hết nhu cầu tái đầu tư đồng bộ, cơ giới hóa, tự đồng hóa.

Do đó, muốn cơ giới hóa thuận lợi, thậm chí hướng đến tự động hóa thì cần phải giải quyết được vấn đề mở rộng diện tích và quy hoạch vùng trồng trên quy mô lớn. Hiện nay, vẫn còn những HTX gặp khó khăn trong quy hoạch, dồn điền đổi thửa, kéo lưới điện nên buộc phải sản xuất theo quy mô nhỏ. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc đầu tư cơ giới hóa tại các HTX gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn.

Ngược lại, khi đầu tư được các vùng sản xuất lớn, nguồn nguyên liệu phong phú, đáp ứng được công suất của máy móc sẽ giúp các HTX tránh được tình trạng để máy móc phải dừng lại việc, nghỉ ngơi lâu. Vì khi máy móc càng dừng làm việc lâu thì HTX phải tốn thêm rất nhiều chi phí để bảo dưỡng máy móc, trong khi nguồn thu không như mong đợi.

Một trong những gợi ý được các chuyên gia đưa ra đó là trước tiên, Việt Nam nên học tập những mô hình cơ giới hóa ở một số nước như Thái Lan, Nhật Bản để mang lại hiệu quả cao hơn. Bởi các nước này đã ứng dụng thành công các loại máy móc nhỏ, vừa, dùng cho hộ gia đình, phù hợp với vùng sản xuất có quy mô vừa phải, giống như ở Việt Nam.

Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà (Tuyên Quang), cho rằng chính sách, định hướng về cơ giới hóa trong nông nghiệp đã được Nhà nước ban hành tương đối đầy đủ. Nhưng hiện có một thực tế là nhiều chính sách vẫn chưa được thống nhất, chưa kịp thời. Cụ thể là chính sách hỗ trợ nông dân, HTX mua máy sản xuất nông nghiệp tại Quyết định 68/2013/QĐ-TTg hiện đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản pháp luật thay thế hay hướng dẫn cụ thể khiến nông dân, HTX gặp nhiều rào cản trong tiếp cận chính sách cũng như đầu tư máy móc, công nghệ.

Trong khi đó, việc đầu tư máy móc đồng bộ là cả vấn đề khó khăn với HTX vì đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Chính vì vậy, các HTX rất cần có sự hỗ trợ từ địa phương, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước mới có thể nâng hiệu quả trong đầu tư và ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản top 10 thế giới vào năm 2030 theo Quyết định 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Huyền Trang


Tác giả: Khó cạnh tranh vì chưa cơ giới hóa đồng bộ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết