A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cú vượt bão hạn mặn thành công của con tôm, cây lúa và chuyện làm giàu của nông dân Sóc Trăng

5 tháng đầu năm 2024, bất chấp "bão" hạn mặn được đánh giá là kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, những người trồng lúa ở Sóc Trăng vẫn có một vụ mùa thắng lớn, thu hoạch đúng thời điểm thị trường có nhu cầu cao, nhờ những thay đổi trong tư duy sản xuất.

Vừa hoàn thành xong công tác cày ải, cải tạo đất để chuẩn bị cho vụ lúa mới, ông Trần Văn Phương ở xã Thới An Hội (huyện Kế Sách) hồ hởi cho hay, vụ Đông Xuân vừa qua, gia đình ông và hầu hết các hộ tại địa phương có một vụ lúa trúng đậm khi cả năng suất và giá bán đều tăng.

“Mùa vàng” với cây lúa

Với hơn 1 ha sản xuất, gia đình ông Phương thu về hơn 9 tấn thóc, giống OM5451. Giá bán bình quân 9.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 45 - 50 triệu đồng/ha, tăng khoảng 20 triệu đồng/ha so với cùng kỳ, mức lợi nhuận kỷ lục trong hàng chục năm qua.

"Vụ vừa qua, năng suất tăng hơn 2 tấn/ha, giá cũng cao hơn vụ Hè Thu năm trước từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Giá cao, lợi nhuận tăng nên bù lại cho những vụ mùa kém vui trước đó", ông Phương chia sẻ.

-6473-1718094417.jpg

Người trồng lúa ở Sóc Trăng thắng lớn vụ đầu năm nhờ giá tăng, thị trường ổn định.

Tương tự, vụ lúa đầu năm 2024 vừa qua cũng là vụ trúng đậm của gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, xã An Mỹ (huyện Kế Sách). Trên cánh đồng hơn 1,5 ha, ông Chiến thu về gần 60 triệu đồng tiền lời.

“Lãi cao vụ trước nên mọi người đều hồ hởi chuẩn bị cho vụ mới. Năm nay, ai trồng lúa cũng thắng hết. Chưa bao giờ giá lúa ở mức cao như thời gian vừa qua. Chúng tôi thu hoạch, được HTX nông nghiệp Tín Phát hỗ trợ bao tiêu nên rất yên tâm. Nếu giá tiếp tục ổn định như hiện tại, nông dân có thể làm giàu nhờ trồng lúa”, ông Chiến chia sẻ.

Cần phải nói thêm rằng, cây lúa vốn không ưa hạn, mặn. Tuy nhiên, nhờ công tác điều chỉnh cơ cấu mùa vụ chuẩn xác của ngành nông nghiệp địa phương, cùng sự thích ứng tuyệt vời của các hộ sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, cây lúa ở Sóc Trăng vẫn có được những “mùa vàng”.

Ông Nguyễn Văn Đậm, Giám đốc HTX nông nghiệp Tín Phát (xã Kế Thành, huyện Kế Sách), cho biết sự điều chỉnh cơ cấu mùa vụ tốt giúp cây lúa không chỉ an toàn vượt qua hạn, mặn, mà còn đưa vụ thu hoạch vào đúng thời điểm khô ráo, đặc biệt là khi nhu cầu thị trường đạt đỉnh.

“Với sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 94%, người trồng lúa ở Sóc Trăng thắng lớn khi bán được giá cao, nhất là các giống lúa ST24, ST25, Tài Nguyên hay Đài Thơm”, vị đại diện HTX cho hay.

"Hốt bạc" với con tôm

Không quá thuận lợi như cây lúa, tuy nhiên, mô hình nuôi tôm nước lợ cũng để lại những dấu ấn trong những tháng đầu năm 2024. Dù diện tích thả nuôi giảm đến 8%, nhưng nhờ phần lớn diện tích cho năng suất khá cao, giúp sản lượng tôm nước lợ trong 5 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, để phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, nhiều hộ sản xuất tại các vùng nuôi tôm chủ lực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã chủ động bắt tay thành lập các HTX, tổ hợp tác, hay nhóm hộ.

-4692-1718094417.jpg

Mô hình nuôi tôm đang cho giá trị cao, làm giàu cho nhiều nông dân, HTX ở Sóc Trăng.

Ông Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu cho biết, HTX đã được thành lập hơn 10 năm. Ban đầu, diện tích nuôi tôm trong HTX chủ yếu bằng ao đất nhưng sau đó, để nâng cao hiệu quả, HTX đã chuyển diện tích 80/90ha nuôi tôm bằng ao đất sang nuôi tôm công nghệ cao. 

"Nhờ nuôi tôm công nghệ cao nên tôm nuôi được 2 - 4 vụ/năm, ước tính sản lượng tôm thu về từ 330 - 350 tấn/80ha/năm, trừ chi phí đạt lợi nhuận hơn 12 tỷ đồng/năm”, ông Ngô Thanh Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, dù nuôi tôm công nghệ cao có chi phí đầu tư lớn nhưng bù lại tôm nuôi được nhiều vụ trong năm, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm, nuôi tôm theo kích cỡ mong muốn. Đặc biệt là năng suất tôm nuôi cao hơn gấp từ 7 - 10 lần so với nuôi ao đất, nhờ đó tăng thu nhập cho thành viên HTX.

Bên cạnh con tôm, cây lúa, mô hình trồng cây ăn quả cũng đang trở thành đòn bẩy giảm nghèo, làm giàu cho nông dân, HTX ở Sóc Trăng. Như ở Kế Sách những năm qua được ví như “thủ phủ” cây ăn trái đặc sản của tỉnh, với hàng loạt sản phẩm sản xuất theo hướng đăng ký thương hiệu, áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, như cam sành Ba Trinh, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, nhãn tiêu da bò và xoài cát chu xã An Lạc Tây…

Đáng chú ý, nếu như trước đây, hầu hết người dân trồng cây ăn trái theo tập quán truyền thống thì hiện tại, nhiều hộ đã sản xuất theo chuỗi giá trị bằng cách tập hợp sản xuất và liên kết đầu vào, đầu ra cho các loại trái cây, với sự hiện diện đầy ấn tượng của các HTX, tổ hợp tác.

Sự chủ động tạo nên thành công

Đơn cử, HTX bưởi Thành Công, xã Kế Thành, huyện Kế Sách những năm qua trở thành điểm tựa sản xuất, nâng cao thu nhập cho hàng trăm thành viên, hộ liên kết. Để đảm bảo hiệu quả bền vững, HTX chủ động bắt tay với doanh nghiệp để giải bài toán tiêu thụ cho các dòng sản phẩm.

Hiện nay, bưởi của HTX Thành Công được Công ty Vinagreenco bao tiêu sản phẩm hơn 100 tấn/tháng để cung cấp cho các hệ thống siêu thị trong cả nước. Nhờ giá cả ổn định, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trên 1 ha trồng bưởi của các thành viên HTX đạt trung bình trên 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động thường xuyên ở địa phương.

Có được điều này là bởi các thành viên HTX tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc và thu hoạch bưởi. Hiện, HTX có diện tích hơn 49ha, chuyên canh cây bưởi da xanh và bưởi Năm roi, sản lượng ước đạt 20 tấn/ha/năm. HTX đã được cấp chứng nhận đạt VietGAP với diện tích 37,3ha, có 28 thành viên tham gia, được cấp mã số vùng trồng diện tích 41ha.

Có thể khẳng định, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang tìm thấy thuận lợi trong khó khăn. Sự chủ động trong công tác dự báo, chuyển đổi mùa vụ, hỗ trợ sản xuất của các địa phương đang giúp nông dân vượt "bão" hạn, mặn, liên tục bội thu từ các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, thủy sản, cây ăn quả...

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như sản xuất theo quy trình hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, cải thiện, chất lượng mẫu mã nông sản theo yêu cầu của bên nhập khẩu; đăng ký mã số vùng trồng (code), đăng ký nhãn hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm chủ lực....

Mỹ Chí


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết