A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi cơ cấu canh tác và câu chuyện giảm nghèo của HTX điển hình ở Đắk Lắk

Không ngừng thay đổi trong định hướng sản xuất, kỹ thuật canh tác, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, nên năng suất và sản lượng nông nghiệp, chất lượng đời sống của người dân ở các HTX tại tỉnh Đắk Lắk ngày càng được cải thiện, góp phần lớn vào giảm nghèo bền vững của địa phương.

HTX nông nghiệp tổng hợp Thăng Bình, xã Cư Kty, huyện Krông Bông thành lập ban đầu chỉ có 10 thành viên với số vốn khoảng 500 triệu đồng. Thời gian đầu, phần lớn người dân trong HTX canh tác các nông sản như: mía, mãng cầu xiêm... với năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao.

Thúc đẩy sản xuất trên đất đỏ ba zan

Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX cho biết, trước khi thành lập, đời sống của người dân trong HTX còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tỷ lệ nông dân chiếm tới 90% dân số của huyện Krông Bông, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật khiến cho giá thành nông sản luôn trong trạng thái “chao đảo” vì bị ép giá.

-2850-1662349943.jpg

Nhiều HTX của tỉnh Đắk Lắk đã chuyển đổi cơ cấu canh tác, góp phần vào giảm nghèo bền vững ở địa phương

Thời gian đầu, hầu hết người dân chưa tiếp cận được công nghệ thông tin, chưa có máy móc kỹ thuật, chưa có nhiều kỹ thuật chăm trồng cho ruộng đồng nên mặc dù lao động rất vất vả nhưng năng suất lại thấp. Được biết, thu nhập bình quân đầu người của người dân lúc đó chỉ dưới 3,5 triệu đồng/tháng.

Từ khi thành lập HTX năm 2013, HTX quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tiến kỹ thuật trồng và chăm sóc, đồng thời tìm kiếm đầu ra cho nông sản địa phương.

Theo ông Sơn, HTX đã quyết tìm ra phương pháp canh tác mới trong nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho thành viên vươn lên làm giàu, xóa đói, giảm nghèo, đó là các giống lúa chất lượng cao.

Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ban đầu quy mô 50 ha đến nay đã lan tỏa đến nông dân các xã Hòa Lễ, Hòa Tân, Yang Reh bắt tay cùng HTX sản xuất giống lúa ST24, ST25, Đài Thơm 8 trên 200 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cánh đồng lớn đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín với sự liên kết của “4 nhà”, giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tạo được sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm với chi phí sản xuất thấp.

Hiện nay, HTX đã và đang chú trọng đến việc xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, định hướng đầu tư xây dựng nhà máy phơi sấy, chế biến, đóng gói và cung ứng thị trường gạo sạch HTB. Đây là loại gạo được sản xuất từ giống lúa ST24 và ST25.

“Gạo HTB được sản xuất và chế biến tuân thủ quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mã sản phẩm, mã vùng trồng. Đặc biệt do chính người nông dân HTX Thăng Bình sản xuất, chế biến, đóng gói và làm thương mại cung ứng thị trường. Để đảm bảo cho cam kết sản phẩm chất lượng đạt chuẩn 4 sao OCOP, gạo HTB sử dụng tem quét mã QR để người tiêu dùng có thể tìm hiểu các thông tin về quy trình thành phẩm gạo”, ông Sơn nói.

Câu chuyện giảm nghèo

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình canh tác, HTX Thăng Bình đã đạt được rất nhiều kết quả tốt, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.

HTX đã giải quyết được vấn đề việc làm cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đem lại thu nhập ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống. Cụ thể, HTX đã giải quyết việc làm cho 18 lao động thường xuyên và 350 lao động thời vụ, thu nhập bình quân đầu người vào khoảng từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

-5047-1662349944.jpg

Nhiều HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động, mang lại thu nhập và cải thiện đời sống, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững.

Theo ông Phan Công Hảo tại thôn 2, xã Cư Kty, từ khi tham gia HTX, việc sản xuất nông nghiệp của gia đình trở nên dễ dàng và đạt năng suất hơn. Gia đình đã mạnh dạn đưa vào gieo sạ thí điểm 3.000 m2 lúa giống ST24 - giống lúa xuất khẩu có năng suất và chất lượng cao.

Bên cạnh việc mở rộng liên kết sản xuất, HTX còn duy trì chính sách đầu tư trả chậm, tạo điều kiện cho bà con có vốn sản xuất và thu được lãi nhiều nhất.

“Do đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật kèm theo hạn chế sử dụng các phân bón hóa chất, gia đình tôi thu được 12 tấn/ha, cao hơn các loại giống thường từ 3 - 4 tấn/ha và được HTX bao tiêu với giá tốt. Trong khi đó, mỗi ha, tôi chỉ sử dụng 150kg giống, so với các loại giống khác giảm được 50kg/ha nên gia đình đã thu về được khoản thu nhập khá”, ông Hảo nói.

Tới thời điểm hiện tại, HTX Thăng Bình đã xây dựng được thương hiệu với các sản phẩm nông sản sạch, đạt chứng nhận VietGAP. Theo thống kê, trong năm 2021, huyện Krông Bông đã hỗ trợ gần 495 triệu đồng cho 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 6 sản phẩm đạt OCOP 3.

HTX sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi, xã Ea Púk, huyện Krông Năng cũng là một điển hình trong chuyển đổi canh tác theo hướng sạch, đạt hiệu quả cao. HTX hiện có 227 thành viên, trong đó 50% là đồng bào dân tộc Ê Đê, canh tác 360 ha cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, FLO tại các xã Ea Tam và Ea Púk của huyện Krông Năng.

Theo HĐQT Vũ Đức Quân, từ năm 2014, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp rang xay, xuất khẩu cà phê tiêu thụ sản phẩm với giá tối thiểu là 40,5 triệu đồng/tấn và hỗ trợ thêm gần 10 triệu đồng/tấn tiền phúc lợi, tạo thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm nên thành viên yên tâm gắn bó với HTX. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn được thụ hưởng từ các công trình phúc lợi xã hội do HTX đầu tư bằng quỹ phúc lợi cà phê.

“Mối liên kết này giúp giá mỗi tấn cà phê tăng khoảng 14 - 15 triệu đồng so với sản xuất thông thường. Đây là điều kiện giúp thành viên từng bước nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững. Nếu năm 2012, HTX chỉ có 33 hộ khá giả (thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên) thì đến hết năm 2021 đã có 182 hộ khá giả, không còn hộ nghèo”, ông Quân cho biết.

Theo đại diện Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 630 HTX, trong đó, HTX nông nghiệp là 409 HTX (chiếm 64,9%), HTX phi nông nghiệp có 221 HTX (chiếm 35,1%).

Những năm gần đây, HTX nông nghiệp trên địa bàn đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn các HTX nông nghiệp nhận thức đúng đắn về mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, qua đó số lượng HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị có xu hướng tăng và trở thành phương thức tổ chức sản xuất phổ biến để tăng trưởng và phát triển bền vững.

“Nhiều HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại thu nhập và cải thiện đời sống; từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi Tây Nguyên”, đại diện Liên minh HTX tỉnh nói.

Ngọc Anh


Tác giả: Thúc đẩy sản xuất trên đất đỏ ba zan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết